AI DÁM?

Roberto Bolaño
chuyển ngữ : Nhị Linh


Những quyển sách tôi còn nhớ rõ nhất là những quyển tôi ăn cắp ở Mexico City, từ tuổi mười sáu đến tuổi mười chín, cùng những quyển tôi mua ở Chilê khi tôi hai mươi, trong những tháng đầu tiên của cuộc đảo chính. Tại Mexico hồi ấy có một hiệu sách choáng lắm. Nó tên là Hiệu Sách Kính, nằm trên phố Alameda. Tường, rồi cả trần nữa, đều bằng kính cả. Kính và rầm sắt. Nhìn từ ngoài, trông nó như là một nơi không thể ăn cắp được. Thế nhưng sự thận trọng chẳng là gì so với cám dỗ thử thách và sau một thời gian thì tôi bắt đầu thử xem sao.

Quyển sách đầu tiên rơi vào tay tôi là một tập sách mỏng của Pierre Louÿs [nhà thơ huê tình thế kỷ XIX], có những trang giấy mỏng như giấy Kinh Thánh, giờ thì tôi không nhớ nổi là tập Aphrodite hay tập Les Chansons de Bil trở thành người hướng lối cho tôi. Rồi tôi trộm sách của Max Beerbohm (The Happy Hypocrite), Champfleury, Samuel Pepys, anh em Goncourt, Alphonse Daudet, của Rulfo và Arreola, các nhà văn Mexico hồi ấy vẫn còn viết ít nhiều, những người hẳn tôi từng gặp vào buổi sáng nào đó trên Avenida Niño Perdido, một phố đông chật người mà ngày nay tôi không sao tìm lại được trên các bản đồ Mexico City nữa, cứ như thể Niño Perdido chỉ có thể tồn tại trong trí tưởng tượng của tôi, hoặc giả cái phố ấy, với những cửa hàng ngầm dưới đất và những người trình diễn trên đường đã thực sự lạc mất, giống y như tôi từng lạc lối ở tuổi mười sáu.
Từ sương mù của những năm tháng đó, từ những vụ đột kích trộm cắp đó, tôi còn nhớ nhiều tập thơ. Của Amado Nervo, Alfonso Reyes, Renato Leduc, Gilberto Owen, Heruta và Tablada, rồi các nhà thơ Mỹ, chẳng hạn General William Booth Enters Into Heaven, của Vachel Lindsay vĩ đại. Nhưng cứu tôi khỏi địa ngục và chỉnh đốn tôi trở lại nghiêm chỉnh lại là một tiểu thuyết. Cuốn tiểu thuyết ấy là Sa đọa của Camus, và mọi thứ liên quan đến nó tôi còn nhớ như thể bị đông cứng lại trong một ánh sáng ma quái, ánh sáng tĩnh của buổi tối, mặc dù tôi đã đọc nó, ngốn ngấu nó trong ánh sáng của những buổi sáng đặc biệt của Mexico City, cái ánh sáng chiếu tỏa – hoặc từng chiếu tỏa – bằng sự huy hoàng đỏ và xanh lục trộn lẫn tiếng ồn, trên một cái ghế băng trên Alameda, không tiền tiêu và cả một ngày trước mặt, mà thật ra thì là cả cuộc đời trước mặt. Sau Camus, mọi thứ đã thay đổi.
Tôi còn nhớ bản in đó: một quyển sách in chữ rất to, như là cho học sinh tiểu học, mảnh, bọc vải, bìa ngoài in một hình vẽ đáng sợ, quyển sách rất khó ăn trộm, tôi không biết nên kẹp nó dưới nách hay nhét vào thắt lưng, vì nó cộm lên bên dưới cái áo đồng phục học sinh trốn học của tôi, và rốt cuộc tôi đã cầm nó ra ngay dưới cái nhìn của mọi nhân viên Hiệu Sách Kính, đó là cách ăn cắp tốt nhất, mà tôi học được từ một truyện ngắn của Edgar Allan Poe.
Sau đó, sau khi trộm quyển sách rồi đọc nó, tôi chuyển từ một độc giả thận trọng sang thành một độc giả phàm ăn và từ một tay trộm sách sang một tay bắt cóc sách. Tôi muốn đọc mọi thứ, trong sự ngây thơ của mình tôi cứ ngỡ như vậy là tương đương với việc muốn lật ra hay thử lật ra những cơ cấu tình cờ bị che giấu đã dẫn nhân vật của Camus tới chỗ chấp nhận số phận tồi tệ của mình. Mặc cho mọi thứ có thể dự đoán, sự nghiệp bắt cóc sách của tôi kéo rất dài và đầy thành quả, nhưng đến một ngày thì tôi bị tóm. Thật may vì không phải tại Hiệu Sách Kính, mà là Hiệu Sách Hầm, nó nằm – từng nằm – bên kia Alameda, trên Avenida Juárez, là nơi, như cái tên của nó đã chỉ rõ, giống như một cái hầm lớn chất hàng đống sách mới nhất từ Buenos Aires và Barcelona trên những cái giá bóng loáng. Vụ bắt giữ tôi thật là đáng tởm. Cứ như thể các samurai của những hiệu sách đã ra giá cho cái đầu của tôi. Bọn họ dọa đuổi tôi ra khỏi đất nước, dần cho tôi một trận nhừ tử trong hầm Hiệu Sách Hầm, điều này với tôi nghe chẳng khác gì một cuộc tranh luận giữa các triết gia mới về sự phá hủy sự phá hủy, và rồi rốt cuộc, sau những suy tính dài lâu, họ để tôi đi, nhưng trước đó đã tịch thu mọi quyển sách tôi có trên người, trong đó có Sa đọa, mà trong số đấy có quyển nào tôi ăn cắp ở chỗ họ đâu.
Không lâu sau đó tôi về Chilê. Nếu ở Mexico tôi rơi trúng vào Rulfo và Arreola thì tại Chilê tình hình tương tự với Nicanor Parra và Enrique Lihn, nhưng tôi nghĩa nhà văn duy nhất mà tôi từng nhìn thấy là Rodrigo Lira, khi ông bước đi thật vội vã vào một cái đêm phảng phất mùi khí ga. Rồi xảy tới vụ đảo chính, sau đó tôi bỏ thời gian thăm viếng các hiệu sách ở Santiago, lấy đó làm một phương cách rẻ tiền để tiêu hủy buồn chán và điên rồ. Không giống những hiệu sách Mexico, các hiệu sách ở Santiago không có nhân viên, mà chỉ có một người duy nhất, gần như lúc nào cũng đồng thời là ông chủ luôn. Tại đó tôi đã mua Obra gruesa [Toàn tập] và Artefactos của Nicanor Parra, rồi các sách của Enrique Lihn và Jorge Teillier mà tôi sẽ nhanh chóng đánh mất, chúng là những sự đọc cốt yếu với tôi; mặc dù “cốt yếu” chưa phải từ chuẩn: những cuốn sách ấy giúp tôi thở. Nhưng “thở” vẫn chưa phải từ chuẩn.
Cái tôi nhớ nhất ở những chuyến thăm hiệu sách là mắt những người bán sách, đôi khi trông cứ như là mắt một người bị treo cổ và đôi khi lại bị che lên một kiểu màng cơn ngủ, mà giờ đây tôi đã biết là một cái khác. Tôi không nhớ mình từng bao giờ nhìn thấy những hiệu sách cô độc hơn không. Tôi không ăn cắp quyển sách nào ở Santiago. Chúng rất rẻ nên tôi mua chúng. Tại hiệu sách cuối cùng mà tôi đến, tôi đang ngó dọc một hàng tiểu thuyết Pháp cổ thì người bán hàng, một người đàn ông cao, gầy trạc tứ tuần, đột nhiên hỏi tôi có nghĩ là đúng hay không khi một tác giả tự giới thiệu tác phẩm của mình cho một người đã bị kết án tử hình.
Người bán hàng đứng ở một góc nhà, mặc một cái áo sơ mi trắng tay áo vén lên đến khuỷu, cái yết hầu nhô hẳn ra cứ nhúc nhắc khi ông ta nói. Tôi đáp có vẻ không được đúng đắn cho lắm. Mà ta đang nói đến những người bị kết án nào đây? Tôi hỏi. Người bán hàng nhìn tôi mà nói ông biết một số, hoặc hơn một, tiểu thuyết gia có khả năng tự giới thiệu sách của mình cho một người đang ở bờ vực cái chết. Rồi ông bảo chúng ta đang nói tới các độc giả tuyệt vọng. Tôi thì tôi không đủ sức đánh giá đâu, ông nói, nhưng nếu không phải tôi, thì chẳng ai khác làm được cả.
Anh sẽ giới thiệu cuốn sách nào cho một người bị kết án? ông hỏi tôi. Tôi không biết, tôi đáp. Tôi cũng không biết, người bán hàng nói, và tôi nghĩ chuyện ấy kinh khủng lắm. Những người tuyệt vọng thì đọc sách gì? Họ thích những sách gì? Anh hình dung như thế nào về phòng đọc sách của một người bị kết án? ông hỏi. Tôi chẳng biết, tôi đáp. Anh còn trẻ, tôi không thấy ngạc nhiên, ông bảo. Rồi: giống Nam Cực ấy. Không giống Bắc Cực, mà giống Nam Cực. Tôi nhớ đến những ngày cuối cùng của Arthur Gordon Pym [của Edgar Allan Poe], nhưng quyết định không nói gì. Để xem nào, người bán hàng nói, con người can đảm nào dám đặt quyển tiểu thuyết này vào lòng một người bị kết án tử hình đây? Ông rút ra một quyển sách khá là thích hợp rồi đặt nó lên một chồng sách. Tôi trả tiền rồi đi khỏi. Khi tôi đi khỏi, người bán hàng hẳn đã cười hoặc khóc thổn thức. Khi bước chân ra tôi nghe thấy ông nói: Thằng khốn cao ngạo nào dám làm điều đó cơ chứ? Rồi ông còn nói gì đó nữa, nhưng tôi không nghe ra.
( dịch từ The New York Review of Books)
nguon :nhanam.vn

Bình luận về bài viết này