Author Archive

ĐÁM TANG

truyện ngắn của Slawomir Mrozek
chuyển ngữ : Hoàng Ngọc Biên

Trong khi đi dạo chơi, tôi xáp vô một đoàn đám tang. Dù sao đi như thế cũng thú vị hơn là lê bước một mình, không mục đích. Tôi không biết người ta đem chôn ai, nhưng cái ấy thì có gì quan trọng. Chúng ta là người cả, ai nấy cùng một nhà, cùng trong một đại gia đình mà.

Vả chăng, muốn biết thì có thể hỏi chứ sao. Cái ông đi bên trái tôi cũng không biết.
– Tôi đi lấy cái quần dài bỏ ở tiệm giặt. Tôi thấy có đám tang, và vì cũng là trên đường đi của tôi, tôi bèn tháp tùng đoàn người. Tôi chỉ đi đến chỗ góc đường thôi, sau đó tôi quẹo.
Thế là tôi bèn hỏi ông đi bên phải.
– Người ta chôn ai ấy à? Làm sao tôi biết được đây? Người ta chết có phải là chuyện hiếm đâu? Nhà băng tới chín giờ mới mở cửa, thế là tôi còn chút ít thì giờ.
Ông thứ ba, đi sau tôi hai bước, ổng cũng không sao cho tôi biết được gì.
Tôi không phải là người ở đây, tôi đi du lịch. Nhưng ông hãy cứ hỏi cái bà đội khăn voan che mặt màu đen kia, bả đang đi sau quan tài ấy. Có thể bảo bà là goá phụ, bà hẳn phải biết.
Lúc ấy, mưa bắt đầu rơi và tôi rời đoàn người. Việc gì phải dầm mưa cho một kẻ mà, dù sao, bản thân tôi chẳng hề quen biết?
tienve.org

SAU LỚP ÁO CÀ SA

Điệp Trần

Ít ai biết rằng, bên cạnh cuộc sống chay tịnh tưởng chừng rất khô khan, các vị sư tăng còn sở hữu một thế giới âm nhạc, vũ đạo sống động, đặc sắc và phức tạp tới mức để đạt được nó, họ đã phải trau luyện không khác gì những nghệ nhân thực thụ.

Đàn Mông Sơn tại Chùa Nền, Hà Nội diễn ra khi Rằm Tháng Bảy mới chỉ qua được mấy ngày. Đây là khoa cúng lớn và lâu đời của Phật Giáo để tỏ lòng kính Phật, hiếu thuận với tổ tiên, cha mẹ và cúng thí cho các vong hồn nơi địa phủ.

Sau lễ Thỉnh Phật và Dâng Lục cúng kéo dài suốt ban ngày, chập tối, Lễ Cầu siêu với màn “Chạy đàn Phá Ngục” theo tích “Mục Liên tầm mẫu” bắt đầu. Khi ấy, giữa tiếng nhạc réo rắt, trống phách rập ràng đệm cho câu canh tiếng kệ ngân nga đưa đẩy, một nhà sư đạo mạo đội mũ hoa sen, áo cà sa, tay cầm tích trượng, quấn theo dải khăn trắng dẫn đầu đoàn lễ cung kính diễu qua năm đàn tế tượng trưng cho năm cửa ngục nơi địa phủ.

Tiết tấu bỗng thay đổi khi vị sư đứng trước một cửa ngục cùng hai đồng tử cầm đèn hoa đăng. Trống, kèn, não bạt, thanh la, tiu cảnh…lập tức rộn lên dồn dập, chuyển sang một khúc nhạc mau hoạt đầy tính vũ điệu. Vị sư tay bắt quyết múa lượn liên hồi, dứt khoát, chân di chuyển theo nhịp trống mõ, khi khoan khi nhặt như vẽ những chữ vô hình lên mặt đất. Khi hai đồng tử múa vòng quanh, tay nhà sư uyển chuyển múa lượn, miệng lầm rầm đọc thần chú giữa tiếng trống mõ vang lừng của đám thầy pháp.


Bỗng ai đó hét lên “Phá cửa ngục!!!”, nhà sư tay cầm trượng múa lên chiếc bát úp dưới đất, dí đầu trượng vào đít bát, di chiếc bát trên mặt đất tựa hồ như viết những mật chú rồi bất thần chọc vỡ tan chiếc bát, “khóa cửa ngục” coi như đã mở, nhà sư tiếp tục chọc thủng màng giấy trước đàn tượng trưng cho “cửa ngục”. Cứ thế, nghi thức lại tái diễn với các “cửa ngục” còn lại trên nền trống kèn bạo liệt không ngừng.

“Phá ngục” chỉ là một phần trong Đàn Mông Sơn – nghi lễ hội tụ đầy đủ các làn điệu đặc trưng của vũ, nhạc nhà chùa. Ở đây, các thầy cúng và sư tăng đều thể hiện những phương pháp âm nhạc độc nhất vô nhị như Canh, kệ, Tụng, Thỉnh, Bạch, Tấu…. hay những chiêu bắt quyết, lướt chân và uốn cổ tay mềm dẻo như rồng bay phượng múa giữa âm điệu biến ảo của dàn lễ nhạc. Quả thực, âm nhạc Phật giáo đã vượt qua những rào cản tín ngưỡng để trở thành một loại hình nghệ thuật đặc sắc.

“Một thể loại âm nhạc thực thụ mang danh Phật Pháp”

Đó là nhận định của nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền khi bàn về âm nhạc Phật Giáo. Anh cho rằng, việc chuyển hóa những giáo lý đồ sộ của nhà Phật thành lời ca với hệ thống âm điệu mang dấu vết dân ca bản địa là sự khôn ngoan của các nhà truyền giáo khi muốn thu phục lòng người. Ta có thể thấy âm màu của chèo, tuồng và nhiều thể loại dân ca khác trong các giọng nhạc của Phật Giáo.

Cũng theo anh Hiền, các nhà sư đã phát triển âm nhạc nhà chùa thành một hệ thống giọng điệu phong phú như Xướng lễ (man mác, tha thiết); Tụng (đọc kinh có nhịp điệu); Thỉnh (nói – hát kinh với âm vực rộng); Bạch (nhẩn nha, bình thản); Tấu (nhịp đọc sớ ngân nga); Chú (thầm thì, nhanh); Kệ (điệu hát – kể trường hơi); Canh (dàn trải, chậm dãi với nhiều đoạn i..a..kéo dài tối đa) v.v… Những phương pháp âm nhạc chuẩn mực chứng tỏ trình độ nghệ thuật bậc thầy của âm nhạc nơi cửa thiền.
Sự đồ sộ với hơn 350 nghi lễ Phật giáo có xuất hiện âm nhạc và múa cho phép sư tăng đưa kỹ xảo diễn đạt biểu tượng tới mức tinh luyện. Chỉ riêng ý nghĩa của chuỗi động tác thủ ấn (bắt quyết) trong nghi thức múa đã vô cùng tinh tế. Hai bàn tay tượng trưng cho thế giới nhị nguyên, còn mười ngón tay được ví như thập giới. Vì vậy mỗi thế tay đều tượng trưng cho sự biến ảo giữa các giới với nhau trong tiểu vũ trụ tâm linh. Đó là chưa kể đến kỹ thuật di chuyển chân nhẹ như không trên mặt đất hết sức uyển chuyển, linh hoạt. Pháp sư múa càng dẻo, nhanh, phức tạp, sức hút và “tính thiêng” của đàn lễ càng mạnh. Chỉ một câu “Nam mô Quan Thế Âm Bồ Tát” các vị sư có thể ngâm nga đến gần 10 phút, còn những bài kinh kệ, thán thì kéo dài khôn cùng. Thử tưởng tượng, để phục vụ cho một đàn Mông Sơn hoàn chỉnh diễn ra trong 7 ngày không ngừng nghỉ với hàng trăm câu tụng, thán cùng diễn xướng, vũ đạo, các vị sư tăng, thầy cúng phải có nội lực cao sâu đến nhường nào?

Sư tăng, thầy cúng – những nghệ nhân cổ nhạc thực sự
Đẳng cấp trình diễn của nhà sư, thầy cúng được thể hiện ở độ vang, sâu, đều nhưng biểu cảm, giọng khỏe, dai sức để thực hiện những đàn cúng lớn, kéo dài. Muốn vậy, các vị sư phải trải qua quá trình khổ luyện lâu dài với nhiều kỹ thuật ém hơi phức tạp. Thực tế, những kỹ thuật này không chỉ bắt nguồn từ giới các nhà sư mà còn được đóng góp bởi các nghệ nhân cổ nhạc ngoài dân gian. Nếu trong chùa lưu truyền chiêu ém hơi đẩy lên vòm xoang mũi để tạo giọng đều và tiết kiệm hơi, thì kỹ thuật vận hơi nén bằng cơ bụng nhằm tăng tính biểu cảm với lực “tận thổ can tràng” lại được học từ nghệ nhân dân gian. Nhiều trường hợp kỹ thuật âm điệu, vũ đạo trong chùa bị thất truyền, các sư lại tìm học từ thầy cúng bên ngoài. Đó là mối quan hệ khăng khít và gắn bó đã có từ ngàn đời.

Anh Vũ Duy Sinh, một thầy pháp lâu năm với ít nhất ba đời lưu nghiệp cho biết, mặc dù cúng bái ở điện Tứ phủ thờ mẫu nhưng một thầy cúng khi đạt đến trình độ nhất định sẽ được phép hành lễ tại các Trai đàn của Phật Giáo như một vị tăng.“Bản thân tôi đã theo cha học nghề từ năm 9 tuổi nên hiểu đây là một pháp môm rất kỳ công. Vừa luyện chữ Hán, thuộc kinh, kệ, lại thêm luyện thanh, trống mõ, múa, bắt quyết…đâu phải ai cũng làm được. Vì thế, mỗi khi cần lập đàn, các sư thường cầu viện đến thầy cúng. Ba đời nhà tôi sống được cũng nhờ lẽ đó”, anh Sinh tâm sự.

Điều này cũng được nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền xác nhận. Anh cho biết, từ bao đời nay, đội thầy pháp và giới sư sãi đã trở thành một “đối tác chuyên nghiệp” trong thực hành nghi lễ chung nhất. Với thầy cúng, đó là một nghề, còn đối với nhà sư, đó là các kỹ năng cần thiết gắn liền với những nghi thức trọng đại của cuộc sống tu hành.
viettems.com


CARPENTERS SỐNG MÃI VỚI THỜI GIAN

24h

Carpenters song mai voi thoi gian

Vào thập niên 70, có một bộ đôi đã từng làm rung chuyển cả thế giới âm nhạc bởi tài năng và dòng nhạc của họ, đó chính là Carpenters do hai anh em nhà Carpenter lập nên. Tuy sự nghiệp của họ không kéo dài, nhưng những bài hát của họ dường như vẫn còn sống mãi với thời gian. 24h xin giới thiệu với các bạn bộ đôi nổi tiếng này.

Karen Anne Carpenter sinh vào lúc 11giờ 45 phút, ngày thứ 5 ngày 2 tháng 3 năm 1950. Còn người anh trai Richard Lynn Carpenter sinh ngày 15 tháng 10 năm 1946. Cha là Harold Bertram Carpenter (sinh ngày 11/8/1908, mất ngày 10/5/1988) và mẹ là Agnes Reuwer (Tatum) Carpenter (sinh ngày 3/5/1915, mất ngày 11/10/1996) tại New Haven, Connecticut.

Ngay từ khi còn nhỏ, cha của cô đã mua rất nhiều đĩa nhạc xuynh, và tại tầng hầm trong ngôi nhà của họ tại 55 phố Hall, New Haven, Karen và người anh trai Richard dành rất nhiều thời gian để nghe những bản nhạc xuynh đó. Rồi một ngày Karen nghe giọng hát của Les Paul và Mary Ford, Spike Jones, và Patti Page, những người này đóng một vài trò rất quan trọng trong việc tác động đến Karen trở thành ca sĩ cũng như gần 20 năm về sau khi cô đã trở nên nổi tiếng. Trong khi đó, Richard vẫn say mê với âm nhạc

Karen kể lại “Trong khi anh Richard nghe nhạc tại tầng hầm, tôi ở ngoài chơi bóng chày, bóng đã và chơi với khẩu súng máy đồ chơi. Tôi rất nghịch ngợm như một cậu con trai, rất cá tính, tôi nghe, tôi nhớ, tôi muốn trở thành một người làm quảng cáo, một ý tá, hay một tiếp viên hàng không”. Đó là những ước mơ ngày cô còn nhỏ, thật giản dị.

Ngay từ năm 12 tuổi, Richard đã thực sự có năng khiếu về âm nhạc, đặc biệt là piano. Karen đã cố gắng học hỏi theo người anh của mình về âm nhạc, bởi Richard rất có năng khiếu về lĩnh vực này. Cô bắt đầu chơi sao khi học tại trường Nathan Hale. Trong mắt của Karen, Richard thực sự là một người có tài năng, người mà cô vô cùng kính phục.

Vào tháng 6 năm 1963, do không thích thời tiết giá lạnh tại Connecticut, gia đình nhà Carpenter chuyển đến sống tại ngoại ô Downey, California. Nơi đây rất thuận tiện cho Richard phát triển tài năng cũng như thực hiện ước mơ nghề nghiệp của mình. Sau khi bán ngôi nhà ở phố Hall, gia đình Carpenter mua một ngôi nhà ở 13024 Đại lộ Fidler, phía nam Downey.

Karen Carpenter là người rất yêu thể thao và những hoạt động ngoài trời khác, nhưng cô lại rất ghét lớp học thể dọc ở trường Downey. Với sự giúp đỡ của Richard, cô được phép thay thế môn học này và cuối cùng cô tham gia vào dàn đồng ca của trường để tránh phải học. Tại bạn nhạc này, Karen chơi trống với những dàn chuông, cô nhanh chóng thích thú với những chiếc trống xung quanh và cuối cùng cô đã xin cha mẹ mua hẳn cho mình một bộ trống. Chính người bạn của Karen chơi cùng dàn nhạc là Frankie Chavez đã giúp đỡ cô rất nhiều trong lĩnh vực này, chính anh là người đã dạy cho Karen những nguyên lý cơ bản đầu tiên và cô nhanh chóng nắm bắt và học hỏi được cách thức cũng như giai điệu.

Trong khi Karen vẫn còn học tại trường trung học thì người anh trai 17 tuổi Richard đã vào học tại trường đại học bang California khoa âm nhạc vào mùa thu năm 1964. Tại đây, anh nhanh chóng trở thành bạn thân với tay chơi tuba và bass có tên là Wes Jacobs. Chính người bạn này đã cùng với Richard và Karen thành lập ra Richard Carpenter Trio. Bước đầu ban nhạc này thường hay chơi trong các vũ hội hay đám cưới, bộ ba này cuối cùng cũng đã giành giải tại cuộc thi tài năng “The Battle of the Bands” tại Hollywood Bowl. Chơi bản “Iced Tea” cùng với “The Girl From Ipanema,” Richard, Karen, và Wes đã giành được thành công rực rỡ.

Vào ngày 13 tháng 5 năm 1966, Karen phát hiện ra giọng hát của mình và đã ký

hợp đồng với hãng thu băng đĩa Magic Lamp Records, một nhãn hiệu nhỏ và độc lập được điều hành bởi một người nổi tiếng ở khu vực Los Angeles là Joe Osborn. Tại phòng thu này, Karen đã thu thanh các bài hát “Looking for Love,” “I”ll Be Yours,” “The Parting of Our Ways,” và một số bài khác. Karen chơi trống, Richard chơi keyboards và Joe chơi bass. Đĩa đơn đầu tiên được phát hành vào mùa hè năm 1966 nhưng không thành công lắm.

Sau đó, Karen và Richard hát chung và quyết định sẽ thu thanh tất cả những bài hát của họ, và cái tên Carpenters ra đời.
Album đầu tiên của Carpenters được tung ra vào tháng 11 năm 1969 và đĩa đơn đầu tiên Ticket to Ride đứng thứ 54 trong số những bài hát được yêu thích, và bài “Close to You” với doanh số bán kỷ lục, nó đã đứng 6 tuần tại ví trí thứ nhất và liên tục đứng thứ 4 nhiều tuần sau đó. 

Bài hát trở thành bài hát đầu tiên trong 17 của 20 đĩa đơn mà bộ đôi này hát thành công nhất, trong đó có các bài “Superstar,” “Rainy Days And Mondays,” “Sing,” “Top Of The World,” và “Yesterday Once More.” Từ đĩa đơn “Close To You” năm 1970 tới “A Kind Of Hush” năm 1976, Karen năm Richard có một chuỗi thành công liên tục thật bất ngờ. Đặc biệt tại Nhật Bản, những đĩa của Carpenters vẫn là những đĩa có số lượng bán lớn nhất, vượt qua cả ông vua nhạc Pop Micheal Jackson và ban nhạc Eagles.
Những năm tiếp theo, Carpenters trở thành một trong những nhóm nhạc được yêu thích nhất trong lịch sử, bán được gần 100 triệu đĩa nhạc trên toàn thế giới, họ đi lưu diễn khắp nơi trong suốt những năm 70. Giọng hát của Karen rất trong và ấn tượng với những giai điệu lãng mạn, dịu dàng và sâu lắng mà cô hát. Với cách ăn mặc giản dị, có phần hơi lỗi thời so với những nghệ sĩ thời bấy giờ, nhưng chính giọng hát, tài năng và phong cách biểu diễn mà Carpenters đã chinh phục được trái tim của hàng triệu khán giả trên toàn thế giới.

Vào ngày 4 tháng 2 năm 1983, thế giới đã mất đi một ngôi sao ca nhạc tài năng, Karen đã mất tại nhà cha mẹ sau một cơn suy tim, hậu quả của chứng biếng ăn kéo dài nhiều năm. Kể từ đó, Carpenters tan rã, nhưng Richard vẫn tiếp tục hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc. Năm 1987, Richard cho ra đời album đơn TIME, năm 1989, anh sản xuất bộ phim có tên “The Karen Carpenter Story” (Chuyện về Karen Carpenter). Bộ phim đã miêu tả một cách chân thực nhất cuộc sống cá nhân của bộ đôi này và nỗ lực của Karen chống lại bệnh biếng ăn.

24h.com.vn


NHƯ LÀ KẾT QUẢ TỪ CÁI CHẾT CỦA SAO

Nguyễn Huỳnh Lê

Nhiếp ảnh gia người Mỹ Ignacio Torres kết hợp vẻ đẹp tự nhiên của các ngôi sao với nghệ thuật của nhiếp ảnh để tạo ra các Gifs Stellar.( tạm dịch Các ngôi sao động)

“Dự án này bắt đầu từ lý thuyết rằng con người được làm bằng vật chất vũ trụ như là kết quả từ cái chết của sao. Tôi tạo ra những hình ảnh này từ việc sử dụng bụi và các confetti phản chiếu để tạo ra các thiên hà. Các mô hình hữu cơ của cơ thể hình thành khi chúng được làm nguội đi trong thời gian các hạt tạo ra thiên thể của nó.”  
Ignacio Torres

https://i0.wp.com/ignacio-torres.com/files/gimgs/45_rachelback.gif






Ignacio Torres’ website


TẶNG VẬT CỦA TRỜI

tiểu thuyết của Nguyễn Thanh Hiện


mười ba.
cuộc trò chuyện với hư không.
 
    Tôi nói đấy là cuộc trò chuyện với hư không. Nhưng nàng bảo không phải vậy. Bấy giờ em vẫn biết mình đang nằm trên thuyền, em biết là chúng ta đã rời khỏi ngôi làng của vị cựu sứ thần, và đã xuống thuyền của ông lão ấy. Nàng nói.

Tôi hỏi, như thế lúc nàng chuyện trò với ai đó, thì không phải là đang trong cơn mê sảng. Nàng bảo không phải. Em vẫn biết là mình đang nghe tiếng nước vỗ mạn thuyền, nghe tiếng của anh, tiếng ông lão lái đò, và tiếng của ba người đàn ông đã có mặt trên thuyền trước chúng ta. Nàng nói. Tất nhiên là nàng đã không chết trên thuyền, như ba người đàn ông ấy bảo, mới có thể ngồi trò chuyện với tôi ở ngôi làng ấy. Tôi nói là lúc ấy thì mấy người đàn ông ấy sợ nàng chết trên thuyền, cứ một hai đòi ông lão đưa nàng lên bờ. Nàng nói là lúc bấy giờ nàng chỉ nghe tiếng những người ở chung quanh, còn nghe nói gì thì nàng không nhớ, vì bấy giờ là nàng đang lao vào cuộc tranh cãi với ai đó mà nàng không còn  nhớ nổi gương mặt của kẻ đó. Đây là thời đại mà người ta nói về cái gọi là sự thật nhiều hơn bất cứ thời đại nào. Đấy là câu mà anh nghe em lập đi lập lại trong suốt cuộc chuyện trò. Tôi nói. Nàng bảo là nàng cũng chẳng nhớ. Tôi nói, lúc đầu thì có vẻ đó là cuộc chuyện trò với vị cựu sứ thần ở ngôi làng ấy. Hãy nói cho tôi nghe là ngài căn cứ vào đâu để bảo đó là sự thật? một văn bản bằng giấy ư? hay một văn bản bằng đá? mà chép trên giấy, hay trên đá, thì đều là ngôn ngữ của con người, ai dám bảo với ngài rằng ngôn ngữ ấy là thuật lại đúng sự kiện ấy, xin ngài hãy nhớ cho, khi ngài tham gia vào việc nói về sự kiện đó thì nó không còn là nó, mà sẽ hiện ra theo cách của ngài nói về nó. Có phải là em tranh cãi với vị cựu sứ thần, và lúc lặng đi là lúc em lắng nghe ông nói? Tôi hỏi. Nàng bảo không phải là tranh cãi với ông ấy. Rồi hỏi tôi sau đó thì nàng nói những gì. Tôi nói sau đó thì dường như là trò chuyện với dòng sông. Ai đã để lại cho người những tháng năm mệt lã, tôi, hay là những con người có đôi mắt màu nước phù sa, ai đã để những giọt nước mắt rơi trên thân thể người, những giọt nước mắt tàn úa, ai đã để rơi những giọt nước mắt ấy, tôi, hay là những con người từ thuở sinh ra chỉ thấy một màu khô buồn trong mắt, mà sao người lại im lặng suốt bấy nhiêu thiên niên kỷ, rồi bỗng hiện ra giữa một miền đau khổ? Có phải là em trò chuyện với một dòng sông nào đó hay không? Tôi hỏi. Nàng bảo là không phải. Tôi nói sau đó thì nàng đã trò chuyện với tôi, nhưng thật ra thì không phải trò chuyện với tôi. Nàng bảo mình chẳng hề nhớ chuyện này. Em có nhớ, em đã hỏi đây là nơi đâu hay không? Tôi hỏi. Nàng ngẫm nghĩ một lúc. Em cầm tay anh, và hỏi thế? Phải, em hỏi đây là nơi đâu, rồi bắt đầu nói, mới đầu tưởng là nói với anh. Chúng ta sẽ đến một nơi không có sự lẫn lộn giữa văn minh và man rợ, chúng ta sẽ đến một nơi không còn nghe ai nói đến chuyện sự thật với không sự thật, nơi tiếng nói không còn là của riêng của con người, để chống lại sự tàn rữa, vào những buổi sớm mai, không phải chỉ có chim rừng, mà đá núi cũng cất tiếng hát mừng ánh mặt trời, để chống lại sự độc đoán hay toàn trị, mà độc đoán với toàn trị là cha đẻ của tàn rữa, vào những ngày mùa đông hoa lá cũng có quyền kêu ca về sự bất nhẫn của gió mưa, để cho linh hồn thế giới luôn đầy đặn thì hòn đất cũng biết nói năng, cây trên rừng cũng biết cất tiếng ngợi ca trí tuệ của những vì sao. Là em nói về  phía bên kia nơi này? Tôi hỏi. Hình như là thế. Nàng nói. Tôi nói, dù nói đằng nào thì đấy cũng chỉ là cuộc chuyện trò với những khái niệm trừu tượng, khái niệm về sự thật (khi ngài nói về nó thì nó là  theo cách nói của ngài), khái niệm về dòng sông cuộc sống ( bỗng hiện ra giữa một miền đau khổ), khái niệm về một miền không có đâu (nơi ngôn ngữ không còn là độc quyền của con người). Thì anh đã bảo em trò chuyện với hư không rồi còn gì. Nàng nói. Và chúng tôi lại vui vẻ nhìn nhau cười. Có phải là con người ta trở nên mạnh mẽ khi đã bị cuộc đời tặng cho một đòn chí mạng? Tôi hỏi. Nàng bảo nàng vẫn chưa tin là đã nói ra được những điều như thế. Nhưng có một điều buộc nàng và tôi phải ráng tin, như những người làng ấy đã tin. Ông lão lái đò đã cho chúng tôi cỡi lưng cọp. Quả tình lúc bấy giờ ông rất sợ nàng chết trên đò của mình. Nhưng với ba người đàn ông thì khác. Theo lời ông lão, bọn họ đi mua tre trên thượng nguồn, nhưng theo tôi thì họ đi đốn gỗ trộm. Sợ chúng tôi đến thượng nguồn sẽ biết sự thật này, nên bọn họ đã hối ông lão đem gửi chúng tôi ở làng ấy. Bao nhiêu năm đi đò dọc, những làng xóm hai bên bờ con sông đều là chỗ thân thiết với ông lão. Hai nhà báo của chính phủ đi đò tới nơi này thì bị bệnh. Ông  đã nói như thế với người làng ấy, nơi đang xảy ra bao thứ chuyện. Để đối phó với những cuộc phỏng vấn của dân làng, tôi với nàng cũng đã phải  ráng tin mình là nhà báo thật.


ÔNG CẢ – NGƯỜI CỦA MỖI NGƯỜI

ký sự của Nguyễn Trọng Tín & Doãn Khởi

Ngay sau giờ lễ trưa, mọi người tản ra về nhà, nhưng Asary vẫn quanh quẩn lại thánh đường chờ ông cả. Hôm nay, phía nhà vợ anh tổ chức lễ đặt tên cho một đứa trẻ mới ra đời bảy ngày, Asary là dượng và được phía nhà vợ phân công chở ông cả về nhà. Đây là một công việc thường nhật của ông cả Châu Mach, ở thánh đường Rohmah.

Đời công quả

Mỗi sáng, khoảng 4 giờ, đàn ông cả xóm sẽ làm lễ đầu tiên của một ngày; buổi trưa, từ lúc 13 giờ cho đến tối, hành thêm bốn cái lễ nữa, tất cả do ông cả chủ trì. Ảnh: Trần Việt Đức
Về với người Chăm ở An Giang, ai ai trong mỗi xóm, khi nhắc đến ông cả luôn biểu lộ sự kính trọng, họ thường gọi là ông cả chùa hay ông giáo cả. Dù mọi người đều bình đẳng và trực tiếp chịu trách nhiệm về việc làm trước đấng tạo hoá Allah dưới trần thế này, nhưng trên thực tế, việc điều hành sinh hoạt thôn làng gắn liền với thánh đường (masjid) có một hệ thống “chức sắc”, người đứng đầu gọi là Hakim – ông cả.
Năm nay, ông Musa Haji, ông cả của xóm người Chăm ở xã Khánh Hoà, huyện Châu Phú đã 86 tuổi. Ở cái tuổi người ta có thể không còn nhớ gì, mọi sinh hoạt đều trông cậy con cháu, nhưng ông còn đầy minh mẫn. Làm ông cả của thánh đường Ahmah này hơn 45 năm, sau khi thụ đạo từ người thầy – ông Haji Uma Aly, tiến sĩ từ thánh địa Mecca trở về – ông vẫn đều đặn mỗi ngày năm bận lên thánh đường chủ trì làm lễ, nếu không phải đi đâu xa. Trước khi làm ông cả, ông Musa Haji đảm nhiệm việc dạy học cho trẻ con tám tiếng mỗi ngày, từ sáng đến chiều, tối dạy bổ túc cho các thầy từ xóm khác. Ngoài dạy chữ, giáo lý, ông còn dạy luôn cả cách nấu đồ ăn, làm bánh ngọt, cách đãi khách, tổ chức đám tiệc… kiểu người Chăm. Nửa đời người cần mẫn, cho đến năm 2004, sau tai nạn gãy chân, ông mới thôi.
Một người Chăm chủ một hiệu vải. Ảnh: Trần Việt Đức
Khác với một số tôn giáo, chức sắc luôn gắn liền với nơi hành lễ công cộng, ông cả của đạo Hồi gắn với xóm ấp nhiều hơn. Mọi việc trong xóm, từ lễ, tang ma, cưới hỏi, đến xử vi phạm luật đạo, phân chia tài sản… ông cả là người đứng ra chủ trì, nhưng không hề có lương bổng hay của từ thiện. Xong việc, ông cả trở về nhà làm ruộng, cùng vợ nuôi con như bao người khác. Thánh đường do một người, gọi là ông từ, coi sóc. Kể từ khi được bầu cho đến khi nhắm mắt xuôi tay, ông cả phải làm mọi việc trong phận sự vô điều kiện.
Nơi phán định, giãi bày
Ông cả sẽ phán định các tranh chấp, các vi phạm luật đạo và chủ toạ các buổi phân chia tài sản theo giáo lý Islam khi có người qua đời. Nhưng phán định làm sao để vừa phù hợp với pháp luật và không phạm giáo luật, lại không phải chuyện dễ. Một ông cả kể, hôm nọ, có thanh niên đi uống rượu say về xóm bị phát hiện. Uống rượu, tuy pháp luật không cấm, nhưng là một điều cấm kỵ trong giáo luật nên không ai dám uống trong xóm mà lén lút đi ra ngoài. Ngay lập tức, ông cả hay tin. Sau giờ hành lễ, ông cả gặp người thanh niên tại thánh đường, buộc viết cam kết không tái phạm, lần tới nếu bắt gặp, ông doạ sẽ bêu tên trước cộng đồng vào ngày lễ thứ 6. Chuyện mại dâm cũng là một điều cấm, theo giáo luật sẽ bị trục xuất ra khỏi xóm, nhưng ông cả Musa Haji lại nghĩ khác, nếu đuổi cô ta ra khỏi xóm vừa trái pháp luật vừa vô tình xúi bẩy cô gái tiếp tục làm điều xấu. Tình huống này, ông sẽ giữ lại, nếu lần đầu, ông chỉ nói riêng nhưng tái phạm, ông sẽ cho nhiều người biết để cùng quản lý, theo dõi và ngăn cản.
Phụ nữ vào một ngày đi dự lễ đặt tên. Ảnh: Trần Việt Đức
Đi vào những xóm người Chăm và nghe chuyện ở quanh xóm người Việt, các tệ nạn hầu như không có. Chuyện uống rượu, cho vay nặng lãi, bài bạc… rất hiếm hoi, có chuyện chỉ mỗi ông cả biết. Hồi tháng trước, ở Châu Đốc một người Chăm bị côn đồ đâm vào bụng. Cả xóm đó đang nháo nhào, phẫn nộ, ông cả xuất hiện, khuyên mọi người về nhà chờ chính quyền giải quyết. Nghe xong cả trăm con người đang nóng nảy lặng lẽ trở về nhà.
Có một thứ công việc không tên mà ông cả phải làm bất kể lúc nào là nghe những lời giãi bày của người trong xóm. Tâm sự thì muôn hình, từ chuyện vợ chồng cơm không lành canh không ngọt, chuyện buôn bán được – mất đến chuyện về chính sách, pháp luật… họ đều đến tỉ tê với ông cả. Có chuyện ông cả phải giữ bí mật, vừa nghe, vừa khuyên giải; có chuyện ông cả cương quyết, buộc phải chấm dứt không để xấu thêm.
Cân bằng đời – đạo
Ở An Giang hiện có 12 xóm người Chăm sinh sống (12 thánh đường), theo đó là 12 ông cả. Người trẻ cũng đã ngoài 70, người già ngót nghét 90 nhưng việc xóm, cả phần đạo lẫn phần đời, hầu hết đều qua tay ông cả. Mỗi sáng, khoảng 4 giờ, đàn ông cả xóm sẽ làm lễ đầu tiên của một ngày, buổi trưa, từ lúc 1 giờ cho đến tối, hành thêm bốn cái lễ nữa, tất cả do ông cả chủ trì. Ngày hôm đó, nếu có các đám cưới, hỏi, ma, đặt tên… ông cả phải đến tại nhà hay thánh đường, đó là phần việc không thể tránh nếu còn sức và không đi đâu xa.
Một ông cả. Ảnh: Trần Việt Đức
Nửa đời người làm ông cả, ông Musa Haji hiểu cá tính của từng người dân trong xóm hơn ai hết và biết cách để giải quyết ổn thoả. Cách đây ít lâu, ông kể, có một người nghèo khó mất, ông đến nơi người mất ở, mời cả khu lại họp và cắt cử, quyên góp làm ma chay. Hay như việc cưới, người biết sẽ đến hỏi ông làm sao, ông sẽ nói cách. Bằng kinh nghiệm, ông tạm chia cư dân thành ba nhóm khi xử việc. Với nhóm người biết và có của, ông chờ họ lại bàn việc với mình. Nhóm có của nhưng không biết cách, ông phải chủ động đến nhà họ, bàn cách làm. Còn nhóm nghèo và không biết cách, ông phải tự tổ chức làm thay cho họ, không bàn bạc. Trong từng nhà, từng dòng họ, ông phải lựa cách nói khác nhau, có người phải nói mạnh, người nói nhẹ, có người phải năn nỉ.
Nhiều ông cả hay phó cả ở An Giang tham gia vào tổ chức đoàn thể xã, huyện nên phải chạy thêm công việc của chính quyền, từ xoá đói giảm nghèo, nhà tình thương đến vay vốn, văn hoá… Làm chuyện nhà nước cũng không lương, thành thử, có ông cả suốt ngày lo việc ngoài đường, mọi chuyện kiếm sống đều nhờ tay người vợ. Nhà chỉ có vài trăm mét vuông vườn, phải nuôi tám người con, người chồng – ông cả Musa Haji – luôn lo việc cộng đồng, ngoài nửa thế kỷ, người vợ ông phải đi bán hàng dạo kiếm sống. Cả đời ông từ thời trai trẻ cho đến già, bữa cơm chỉ quen ăn với muối tiêu nhưng ông thấy mình vẫn đủ và đầy hạnh phúc. 
sgtt.vn

NHỮNG CÁCH THẤY (7)

John Berger 
chuyển ngữ : Như Huy


Tác phẩm Reclining Bacchante của Trutat ( 1824-1848)




Những cảnh khỏa thân đầu tiên của truyền thống hội họa châu Âu là để mô tả về Adam và Eve. Ở đây, có lẽ ta nên cùng nhau đọc lại câu chuyện về sự khỏa thân như được chép trong kinh Cựu ước .

Theo những cách sử dụng và định niệm cũ, tức những gì rốt cuộc đã bị đưa ra khảo sát, song chưa bao giờ được giải quyết rốt ráo, sự hiện diện xã hội của một phụ nữ không giống với sự hiện diện ấy của nam giới. Sự hiện diện xã hội của một nam giới phụ thuộc vào lời hứa hẹn quyền lực mà anh ta có thể đưa ra. Nếu hứa hẹn này là lớn lao và khả tín, sự hiện diện của anh ta sẽ trở nên nổi bật. Nếu nó nhỏ nhoi và đáng nghi ngờ, sự hiện diện ấy sẽ chìm nghỉm. Quyền lực được hứa hẹn ấy có thể là bất cứ thứ gì, về luân lý, vật lý, tính khí, tài chính, xã hội, hay tình dục- song nó luôn hướng ra phía ngoài. Sự hiện diện của một nam giới sẽ tỏ ra cho thấy rằng anh ta có thể làm những gì đối với bạn và cho bạn. Sự hiện diện ấy có thể có tính ngụy chế, theo nghĩa anh ta giả vờ có khả năng làm được điều gì đó mà thật ra là không thể. Song sự giả vờ này luôn là sự giả vờ về một quyền lực để thực thi lên kẻ khác

Trái lại, sự hiện diện xã hội của một phụ nữ luôn thể hiện thái độ của cô ta với bản thân (có tính nội chiếu), và cho thấy mong muốn của cô ta về việc người khác nên đối xử với cô ta thế nào. Sự hiện diện của phụ nữ thể hiện rõ trong động tác, giọng nói, quan điểm, sự biều lộ, trang phục, các đồ vật cô ta lựa chọn, hay khiếu thẩm mỹ của cô ta. Dù có làm bất cứ điều gì đi nữa, những điều ấy đều đóng góp vào sự hiện diện của cô ta. Sự hiện diện kiểu này của một phụ nữ là không thể tách rời với nhân cách nữ, tức cái nhân cách mà nam giới luôn có xu hướng hình dung về nó như thể một phong vị có thật , một kiểu hơi ( hơi đàn bà), mội mùi (mùi đàn bà) hay một bản chất.

Sinh ra là một phụ nữ, cũng có nghĩa rằng sinh ra trong một không gian được phân khu và giới hạn do nam giới bảo quản. Và rồi sự hiện diện xã hội của phụ nữ đã phát triển thành kết quả là khả năng tinh tế (đón ý) của họ khi sống dưới sự giám hộ của nam giới trong một không gian hạn hẹp như thế. Tuy nhiên, cái giá phải trả cho điều này là việc bản ngã của phụ nữ bị chia làm hai. Một phụ nữ sẽ luôn phải hình dung về bản thân. Cô ta sống mà luôn phải ý thức về hình ảnh của chính mình. Cô ta luôn nhớ đến hình ảnh ấy, thậm chí khi đi ngang qua căn phòng, hay khi khóc lóc trước sự qua đời của người cha. Từ những ngày thơ dại , cô đã được dạy và được thuyết phục rằng mình phải luôn quan sát bản thân

Và như thế, cô tiến đến việc coi kẻ quan sát và kẻ bị quan sát tồn tại trong chính bản thân cô như thể hai yếu tố, tuy luôn trái nghịch về chức năng, song lại cùng nhau cấu thiết nên căn tính phụ nữ của cô.

Cô phải quan sát mọi điều trong đời sống của cô, mọi điều cô làm bởi việc cô xuất hiện ra sao trong mắt người khác, và quan trọng nhất, trong mắt nam giới, là việc tối quan trọng và sẽ có ảnh hưởng tới sự thành công hay thất bại theo cách mọi người thường suy nghĩ, cho cuộc đời của cô. Cảm thức của cô về tồn tại của chính mình được nuôi dưỡng nhờ vào một cảm thức về chính cái tồn tại ấy, song được tạo hình hài trong mắt người khác.

Nam giới quan sát phụ nữ trước khi biết nên đối xử ra sao với họ. Hậu quả là việc một phụ nữ xuất hiện ra sao trước mắt nam giới có thể xác định việc cô ta sẽ được đối xử ra sao. Để phần nào làm chủ được việc mình được đối xử ra sao, phụ nữ sẽ phải chấp nhận và nội hóa quá trình quan sát này. Và như thế, cái bán-ngã quan sát của một phụ nữ sẽ thao tác với cái bán-ngã bị quan sát của họ sao cho người khác có thể thấy được bản ngã tổng thể của cô ta đang mong mỏi được đối xử ra sao. Và sự thao tác tập huấn này giữa bản thân phụ nữ với chính họ đã thiết tạo nên hiện diện của cô ta. Mọi sự hiện diện của phụ nữ đều tuân thủ theo logic của việc điều gì được và không được ‘cho phép”. Mỗi hành động của cô ta- bất kể với mục đích hay động cơ gì – đều được đọc như thể dấu chỉ cho việc cô ta muốn bị đối xử ra sao. Nếu một phụ nữ bực quá tung hê cả một mâm cơm đi, điều này sẽ tự động trở nên ví dụ trong mắt người khác về việc cô ta xử lý với cơn giận giữ của bản thân ra sao, và như thế, của việc mong muốn người khác ứng xử với chính cơn giận dữ ấy của cô ra sao. Nếu một gã nam giới điên tiết đập phá nhà cửa, hành động này sẽ chỉ được coi là sự thể hiện cơn giận dữ của gã mà thôi. Nếu một phụ nữ kể một câu chuyện cười hay ho, điều đó sẽ tự động trở nên ví dụ cho thái độ của cô ta với bản thân, và qua đó, cho việc, trong vai trò một phụ nữ-vui tính, cô muốn mọi người cư xử với mình ra sao. Chỉ nam giới mà thôi, mới có thể kể một câu chuyện cười chỉ để pha trò thuần túy.

Ta có thể diễn nôm điều này qua việc nói rằng: nam giới hành động, còn phụ nữ tỏ ra. Nam giới nhìn vào phụ nữ. Phụ nữ quan sát bản thân mình đang được nhìn vào. Điều này không chỉ xác định hầu hết các mối quan hệ giữa nam giới và phụ nữ, mà còn mối quan hệ giữa phụ nữ với bản thân họ. Cái bán-ngã quan sát tồn tại bên trong một người phụ nữ là giống đực, còn cái bán-ngã được quan sát sẽ là giống cái. Chính vì vậy, phụ nữ biến đổi bản thân thành một đối tượng- một đối tượng cụ thể nhất của thị năng: tức một thị cảnh

Trong khu vực tranh khỏa thân của hội họa sơn dầu châu Âu, đề tài phụ nữ chưa bao giờ ngừng là một đề tài quan trọng nhất. Trong các bức tranh khỏa thân của hội họa châu Âu, chúng ta có thể khám phá một số tiêu chuẩn và quy phạm mà khi bị rơi vào trong đó, phụ nữ luôn bị quy giản để chỉ còn là các thị cảnh.

Những cảnh khỏa thân đầu tiên của truyền thống hội họa châu Âu là để mô tả về Adam và Eve. Ở đây, có lẽ ta nên cùng nhau đọc lại câu chuyện về sự khỏa thân như được chép trong kinh Cựu ước :

Người đàn bà thấy trái cây đó ăn thì ngon, trông thì đẹp mắt, và đáng quý vì làm cho mình được tinh khôn. Bà liền hái trái cây mà ăn, rồi đưa cho cả chồng đang ở đó với mình; ông cũng ăn. 7 Bấy giờ mắt hai người mở ra, và họ thấy mình trần truồng: họ mới kết lá vả làm khố che thân…Ðức Chúa là Thiên Chúa gọi con người và hỏi: “Ngươi ở đâu? ” 10 Con người thưa: “Con nghe thấy tiếng Ngài trong vườn, con sợ hãi vì con trần truồng, nên con lẩn trốn…

Với người đàn bà, Chúa phán:”Ta sẽ làm cho ngươi phải cực nhọc thật nhiều khi thai nghén; ngươi sẽ phải cực nhọc lúc sinh con. Ngươi sẽ thèm muốn chồng ngươi, và nó sẽ thống trị ngươi.”

Điều đáng lưu ý thứ nhất trong đoạn này là việc, sau khi ăn quả táo theo lời dụ dỗ của con rắn, Adam và Eve đã phát hiện ra sự trần truồng của người kia. Như thế, sự trần truồng, ngay từ lúc nguyên khởi, đã được tạo ra trong tâm trí của kẻ nhìn.

Điều đáng lưu ý thứ hai là việc người phụ nữ bị nguyền rủa và nhận hình phạt bị nam giới thống trị. Trong mối quan hệ với phụ nữ, nam giới đã trở nên kẻ đại diện cho Chúa

Trong truyền thống Trung cổ câu chuyện này luôn được minh họa theo một bộ tranh nhiều tấm, tuần tự hết tấm này tới tấm khác.


Tác phẩm Fall and Expulsion from Paradise của Pol De Limbourg. Đầu thế kỷ 15

Trong thời Phục hưng, dạng chuyện kể tuần tự đã biến mất, và khoảnh khắc được chọn vẽ trong cảnh này chính là khoảnh khắc của sự ngượng ngùng. Cặp đôi Adam và Eve luôn xuất hiện với hai chiếc lá vả, hoặc đang lấy tay che đi chỗ kín. Song điều đáng lưu ý ở đây là việc; sự xấu hổ trong các bức tranh Phục hưng, không chỉ là giữa Adam và Eve với nhau, mà còn là giữa họ với người xem tác phẩm.


Tác phẩm Adam and Eve của Mabuse. Đầu thế kỷ 16

Về sau, chính khoảnh khắc này sẽ trở thành một tư thế xuất hiện

( dịch từ: Ways of Seeing, John Berger, Peinguin Books published 2008)
huybeo.blogspot.com


MARIA CALLAS

Figaro83


(1923-1977) 

Tôi hoàn toàn có thể nghi ngờ sự tin cậy của bất cứ  list greatest operatic artists nào không nhắc đến Callas, thậm chí là nếu không phải ở vị trí đầu tiên.
Với vinh quang gần như  chỉ nằm trong khoảng hơn chục năm (thời kì đỉnh cao nhất là1953-1964) nhưng Callas đã trở thành tượng đài vĩ đại nhất của thánh đường opera. Tôi chưa bao giờ thấy 1 nghệ sỹ nào tỏ vẻ nghi ngờ tài năng cũng như vị trí của Callas, còn những cái tên bày tỏ sự ngưỡng mộ, và thú nhận bị ảnh hưởng, thậm chí phát rồ vì Callas thì k0 kể xiết (Schwarzkopf, Sutherland, Gencer, Caballe, Pava, Sass, Bartoli, Dessay, Netrebko, Urmana,…) Mỗi thế hệ nghệ sỹ opera, người ta lại cố gắng tìm kiếm người có thể kế vị, một new Callas, nhưng chưa ai dám nghĩ đến việc thay thế Callas. Trước và sau thời kì đế chế của Callas có không ít giọng hát đẹp hơn, tài năng không kém, và thậm chí có cả người mà Callas ngưỡng mộ (như  Rosa Ponselle), nhưng không có một người nào đạt đến vị trí tối thượng như  Callas. Ngay cả những nghệ sỹ lựa chọn trong danh sách này, tôi đều lấy từ Callas làm chuẩn, keke.

Đối với riêng tôi, Callas là ca sĩ opera đầu tiên mà tôi nghe và khiến tôi đến với opera. Thú thực là không phải tôi đã bị hấp dẫn ngay, vì âm sắc giọng hát hơi quá nặng đối với taste của một đứa chưa biết gì về opera giống như tôi lúc đó, nhưng tôi đã bị ấn tượng rất mạnh và rồi dần dần bị cuốn hút. Tôi lúc ấy, không biết thế nào là một giọng hát đẹp, không biết cái aria kia, cái duet này nói về cái quái gì, không biết kĩ thuật x,y,z là cái fuckin gì, hoàn toàn là tờ giấy trắng. Kể cả gần 1 năm sau khi nghe cái collection album La Divina của Callas (album đầu tiên mà tôi có) và đã bị Callas bỏ bùa, tôi cũng còn chả hiểu aria Vissi d’arte là về gì. Callas đã bắc cái cầu đầu tiên đưa tôi đến với thế giới opera, để tôi tìm hiểu, yêu thích. “Tình yêu lớn là Caballe còn tình yêu đầu tiên là Callas” – Mr Cò đã nói về tôi như vậy trong một lần hồi box nhạc chúng tôi mới gặp gỡ nhau. Thường thì người ta chỉ nhớ đến mối tình đầu tiên và cuối cùng mà thôi.
Callas cũng là nghệ sỹ đầu tiên mà tôi viết Tiểu sử cho trang nhaccodien.info. Tôi đã đọc về Callas một cách say mê, viết một cách say mê với một cảm xúc ngây ngô đầy nhiệt tình … Bây giờ tôi không dám đọc lại bài đấy nữa, vì tôi biết là tôi đã chả hiểu gì về Callas cả. Tôi nhớ dịch giả Thúy Toàn từng thú nhận đại ý rằng nếu biết trước về Pushkin thì đã không dám dịch “Tôi yêu em” nữa, tôi k0 dám so sánh với Thúy Toàn, nhưng quả thật tôi thấy là tôi đã …liều quá.
Tôi vẫn chưa dám viết một entry về Callas, mỗi một lần nghe lại Callas lại là một xúc cảm khác, và chưa bao giờ có thể định hình lại một cách rõ nét để viết. Nhưng chắc chắn là , chưa thể đóng cửa blog này trước khi có 1 entry về Callas.
Tôi nghĩ không một vai diễn nào, kể cả Tosca, khắc họa rõ nét con người, tính cách và tài năng của Callas hơn Norma. Cái khoảnh khắc khi Callas cất giọng hát những note nhạc đầu tiên trong aria ”Casta Diva”, Callas đã tỏa sáng như 1 La Divina (nữ thần). Bản thu âm studio “Casta Diva” năm 1960 (nằm trong complete Norma thực hiện với F.Corelli, C.Ludwig dưới đũa chỉ huy của nhạc trưởng T.Serafin) là bản thu âm nổi tiếng và phổ biến nhất của Callas. Vâng,  hãy nghe đi để thấy rằng dù Sutherland tuyệt vời, Caballe tuyệt vời, Gencer tuyệt vời, Sills tuyệt vời, nhưng Norma chỉ có thể là Maria Callas
figaro83.wordpress.com

SỰ PHẢN BỘI-GƯƠNG MẶT CỦA JANE-TẠI BIÊN GIỚI-CÔN TRÙNG

truyện ngắn của Ian Seed
chuyển ngữ: Lê Trung Tự
SỰ PHẢN BỘI
Lạc trong sương mù dày đặc, tôi gặp một ẩn sĩ, và ông đưa tôi về túp lều của ông. Túp lều trống không, chỉ có hai băng ghế đá. Ông bảo tôi nằm xuống đó ngủ, mặc dù suốt ngày tôi chưa ăn gì cả.

“Ngày mai chúng ta sẽ có thức ăn,” ông hứa hẹn, và nắm tay tôi an ủi.
Tôi nằm mơ thấy đàn quạ bay lượn, máu nhỏ giọt như mưa từ những cái mỏ của chúng. Khi tôi thức giấc, trên cổ tôi có một cái lỗ rộng đủ để tôi có thể đút một ngón tay vào.
GƯƠNG MẶT CỦA JANE
Khi Jane gia nhập công ty của chúng tôi, tất cả chúng tôi — đàn ông cũng như phụ nữ — đều yêu mến cô. Chúng tôi chưa từng thấy một người xinh đẹp đến thế. Tuy nhiên, ngay từ ngày đầu, cô đã giữ khoảng cách với chúng tôi, và vài tháng sau sự ngưỡng mộ của chúng tôi chuyển thành đố kị và bực bội.
Một lần kia, công ty của chúng tôi tổ chức một cuộc đi bộ đường dài dọc theo bờ biển. Trời hôm đó gió lạnh và không ai lảng vảng nơi bãi biển đầy đá cuội. Jane đã bỏ xa chúng tôi. Chúng tôi bắt đầu thì thầm với nhau về sự ngạo mạn của cô. Tiếng nói của chúng tôi càng lúc càng lớn dần theo bước chân.
Bất thình lình cô quay lại nhìn chúng tôi:
“Quý vị không thật sự quan tâm đến tôi đâu. Quý vị chỉ bị ám ảnh bởi gương mặt của tôi. Nhưng gương mặt này không phải là của tôi. Nếu quý vị biết gương mặt thật của tôi, chắc quý vị không dám đến quá gần như thế.”
Cô đưa những móng tay của bàn tay phải lên thái dương bên trái, và bằng một động tác giật chéo rất nhanh, cô lột gương mặt xinh đẹp đó ra. Đàng sau chiếc mặt nạ, chúng tôi có thể thấy một gương mặt hết sức gớm ghiếc và dị dạng.
“Vâng!” cô ta nói, “Đây là gương mặt thật của tôi. Và bây giờ quý vị, tất cả quý vị, hãy đưa tay lên như tôi và lột mặt nạ của quý vị ra…”
TẠI BIÊN GIỚI
Tại biên giới, chúng tôi gặp một vụ rắc rối. Họ đòi tôi trình hộ chiếu để minh chứng sự hợp lệ của các hộ chiếu của vợ và con tôi. Các viên chức biến đi với cái hộ chiếu của tôi và mấy phút sau mới trở lại, vừa kịp lúc chuyến tàu của chúng tôi sắp chuyển bánh. Khi kiểm tra hộ chiếu của mình để xem thử nó đã được đóng dấu chưa, tôi khám phá ra rằng tấm hình trong hộ chiếu của tôi đã được thay bằng tấm hình của một trong những người đàn ông bên ngoài mái hiên của quán rượu đang nâng một cốc bia lên môi. Tấm hình giống như được chụp vội trong một chuyến đi nghỉ mát, có điều là tấm hình đã phai màu như hình của một người mới chết gần đây. Không còn đủ thì giờ để đổi lại, và tôi nghiệm ra rằng tôi vẫn có thể tiếp tục dùng hộ chiếu của tôi — gương mặt quá mờ đến nỗi chẳng ai sẽ biết rằng đó không phải là tôi.
CÔN TRÙNG
Đi ngang những căn nhà của hội đồng thành phố trong lúc tuyết đang rơi, tôi nghĩ có ai đó vẫy tay chào tôi từ một cửa sổ ở tầng trệt. Thế nhưng khi tới gần đủ để áp mặt vào tấm kiếng lạnh giá, tôi mới biết mình đã lầm; đó chỉ là một gia đình đang xem tivi. Tuy nhiên, nhìn kỹ hơn, tôi thấy mình đang đi trên màn hình. Đứa bé gái nhỏ nhất đã oà khóc vì cái cách tôi kéo lê ống chân bị nghiền nát đàng sau lưng khiến nó liên tưởng đến một con côn trùng nào đó.
_____
Dịch từ nguyên tác “Four Short Prose Pieces” của Ian Seed, trên tạp chí The Café Irreal, Isse #23.
 
Ian Seed là biên tập viên của tạp chí thơ Shadowtrain. Tiểu thuyết, thơ, tác phẩm dịch thuật và những bài viết phê bình văn học của ông đã xuất hiện trên rất nhiều tạp chí, gần đây nhất là trên Great Works, Green Integer Review, Raunchland, ShearmanStride. Thơ của Ian Seed đã được đem vào tuyển tập Innovative Poetry in English 2005-2006 (Green Integer Books).
tienve.org

SÁNH NHƯ TƠ MÀ CHIỀU ĐÃ NHƯ SƯƠNG

tạp văn của Bùi Văn Nam Sơn

 “Biển xanh biến thành ruộng dâu” trong thế giới bên ngoài. Và nơi con người: “Trăng sáng lầu cao buồn soi mái tóc. Sáng như tơ mà chiều đã như sương” (Lý Bạch). Ai ai cũng dễ chia sẻ và đồng ý với nhau trong cảm thức về sự vô thường, biến dịch của vạn vật. Nhưng lại không dễ nhất trí với nhau: làm sao lý giải sự biến đổi và phát triển không ngừng ấy?
Biến dịch: sự thật hay ảo giác?

Vào buổi bình minh của tư tưởng Tây phương đã có sự xung đột triệt để giữa hai cách nhìn. Với Heraklit (520 – 450 trước Công nguyên), toàn bộ thực tại đều không ngừng biến đổi: không có gì vững bền, không có khởi đầu, không có mục tiêu, không có sự ngừng nghỉ. “Người ta không thể tắm hai lần trong một dòng sông” là câu nói nổi tiếng của ông, vì giữa hai lần “tắm”, cả dòng sông lẫn ta đều đã biến đổi. Đối thủ của ông là Parmenides, cũng sống đồng thời vào thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên. Tất nhiên, Parmenides cũng thấy dòng sông trôi, cũng thấy bốn mùa thay đổi, và thấy chính mình ngày một già đi (và có lẽ khôn ngoan hơn!) Chỉ có điều: ông xem tất cả những việc ấy chẳng có ý nghĩa gì. Với ông, sự biến đổi và phát triển chỉ đơn thuần là ảo giác của con người, vì đằng sau nó, thực tại là bất biến, vĩnh hằng.
Không cần triết lý cao xa gì, mỗi người trong chúng ta luôn ít nhiều đứng về một phía, tuỳ theo vị trí và cả… lợi ích của mình. Nhận nhiệm vụ cải cách, ai cũng muốn nhìn sự việc theo chiều hướng năng động và có thể biến đổi được. Ở vị trí ngược lại, người ta lo sợ trước sự biến đổi, họ sợ mất chỗ đứng và quyền lợi, muốn mọi việc càng ít thay đổi càng tốt!
Thái độ đối với sự biến dịch cũng sẽ ảnh hưởng đến cách nhìn về tương lai. Với người này, “toàn cầu hoá” là một cơ hội lớn. Nếu các nền kinh tế ngày càng chuyên môn hoá, sự phân công quốc tế càng phát triển thì hiệu quả tăng trưởng càng năng động, mang lại sự thịnh vượng cho tất cả. Người khác có cái nhìn bi quan: họ hình dung “chiếc bánh” thị trường thế giới là bất biến và… “con sãi giữ chùa vẫn quét lá đa”!
Biến dịch và bất biến: một hay hai thế giới?
Platon là người đầu tiên tìm cách giải quyết vấn đề do Heraklit và Parmenides để lại. Tuy đứng về phía Parmenides, nhưng ông phân biệt giữa thế giới biến dịch của những sự vật cá biệt với thế giới bất biến, đích thực của những ý niệm. Chẳng hạn, một cái cây thì thay đổi, nhưng ý niệm về cái cây thì vĩnh cửu, bất biến.
Học trò ông, Aristoteles, và các triết gia theo phái Aristoteles trong thời trung cổ, nhìn ra sự khó khăn: nếu thế giới bao gồm vô hạn những thực thể bất biến (những “nguyên tử” theo phái Demokrit) thì sự kết hợp của chúng thành những sự vật cá biệt là hoàn toàn ngẫu nhiên, không giải thích được, còn nếu thế giới bất biến và thế giới biến dịch tách rời nhau (Parmenides, Platon) thì làm sao giải thích được mối quan hệ giữa hai thế giới, nghĩa là, làm sao giải thích quá trình hình thành, phát triển của sự vật mà ai cũng phải thừa nhận? Vì thế, theo Aristoteles, không thể có hai thế giới mâu thuẫn nhau, trái lại, chỉ có thể khám phá bản chất của sự vật thông qua sự biến dịch: không có cái khả biến, cũng không thể có cái bản chất. Thật dễ hiểu: nếu bản chất của sự vật là bản thể của nó (Chỉ bán phở mới là quán phở? , 2.6.2010), tức là cái giữ vững và nâng đỡ cái khả biến, thì không thể không có cái khả biến để nó giữ vững và nâng đỡ! Cả hai phải kết hợp với nhau như là giữa khả thể và hiện thực. Mọi vật không trôi chảy vô định như nơi Heraklit, cũng không tĩnh tại như nơi Parmenides, trái lại, chúng tự biến đổi và phát triển theo đúng bản tính của chúng, với vô vàn khả thể. Nhưng, không phải khả thể nào cũng được. Cắm hoa trong một cái cốc, thậm chí trồng hoa trong một chiếc giày vẫn được, nhưng đó không phải là mục đích nội tại thuộc bản tính của cái cốc, chiếc giày.
Khẳng định có một mục đích nội tại trong những sự vật không do con người làm ra là một điều gây tranh cãi, trong khi ta dễ đồng ý rằng con người tự đặt ra mục đích cho chính mình. Thế nhưng, điều này lại tiền–giả định phải có tính cá nhân và sự tự do. Nếu cái cây không tất yếu sẽ đơm hoa kết trái vì còn phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố bên ngoài, thì những mục đích của con người càng không dễ dàng để thành tựu. Sự tự do của con người cũng đồng thời là sự tự do… đón nhận thất bại.
Con người không thể hoàn toàn chi phối tiến trình biến dịch, nhưng ít ra, vẫn có thể tự quyết định về phản ứng của mình, trong tinh thần “nhân định thắng thiên”.
Có lẽ chính yếu tố bất an trước sự biến dịch và phát triển tự do và không thể lường trước được này của thế giới và con người đã luôn thôi thúc nhiều triết gia đi đến quan niệm về sự tiền định và tất yếu. Đến đầu thời cận đại, Spinoza (1633 – 1677), đại triết gia Hà Lan, cho rằng không có gì là ngẫu nhiên ở trong thế giới cả. Tất cả đều là sự tất yếu tự nhiên. Lập luận của ông: thượng đế có mặt trong tất cả, và bởi thượng đế là hoàn hảo, nên tất cả đều tiến lên theo một con đường duy nhất.
Tư tưởng này có ảnh hưởng sâu đậm đến toàn bộ triết học cổ điển Đức. Toàn bộ thực tại là một cái đại thống nhất, và sự biến dịch là một tiến trình vĩ đại, độc lập với ý chí của những con người cá biệt.
Tính cách là số phận
Heraklit ví tiến trình biến dịch của vũ trụ như một ngọn lửa bất diệt, nhưng không phải là hỗn độn, vô trật tự. Có một tính quy luật nào đó giữa các mặt đối lập chi phối tiến trình phát triển. Nhận ra “lẽ Đạo tự nhiên” (Logos) này là mục tiêu tối cao của con người để không biến mình thành bất lực và vô nghĩa. Sự biến dịch là thách thức hàng ngày hàng giờ đối với con người, và, về lâu dài, nó trở thành một nhiệm vụ văn hoá. Một văn hoá tổ chức thù địch với sự biến dịch nhất định sẽ thất bại, vì nó đi ngược lại nguyên tắc tự nhiên cơ bản: “Không có gì bền vững ngoài sự biến dịch”. Con người không thể hoàn toàn chi phối tiến trình biến dịch, nhưng ít ra, vẫn có thể tự quyết định về phản ứng của mình, trong tinh thần “nhân định thắng thiên”. Heraklit: “Biết nhiều chưa có nghĩa là hiểu. Hiểu là biết chờ đợi điều ta không hề chờ đợi. Vì thế, tính cách của ta là số phận của ta”.
sgtt

ĐỀN MADELEINE

H.T

Ngôi đền Hy Lạp đó nằm ở trung tâm thành phố Paris, đó là một công trình kiến trúc khá đặc biệt. Chính Napoléon đã muốn xây dựng một đài kỷ niệm cho Great Army (Quân đội vĩ đại) dọc theo tòa nhà Maison Carreé ở Nimes.

Để có được như vậy, Napoléon đã bắt tay vào xây dựng trước một công trình nhưng không thành và bị phá đổ hết. Công trình đó được làm lại từ đầu vào năm 1806 dưới sự chỉ đạo trực tiếp của kiến trúc sư Vignon. Vào năm 1814, nó trở thành “Nhà thờ Thánh Mary Madeleine” và nằm ở giữa quảng trường cùng tên.
Nó mang dáng dấp và cấu trúc của một đền thờ Hy Lạp cổ điển. Nền cao và ở phía trước là một cầu thang rộng lớn, hành lang có 52 cây cột kiểu Corinthian cao 65 phít (bằng 19,8m) chạy vòng quanh mặt ngoài của công trình kiến trúc này và có một cái trán tường với một trụ ngạch lớn do Lemaire điêu khắc vào năm 1834, thể hiện “Ngày phán quyết cuối cùng”. Bên trong nhà thờ này không có gian vách, nó chỉ có một tiền sảnh với hai nhóm tượng điêu khắc của Pradier và Rude và một nơi tụng niệm có hình bán nguyệt.
Bên trên bệ thờ cao là một tác phẩm của một họa sĩ Italia. Đó là bức Assumption of Mary Madeleine (Đức mẹ Mary Madeleine thăng thiên) của họa sĩ Marocchetti. Khi ra khỏi tòa nhà này, có thể ngắm toàn bộ đường Royale xa đến tận cây cột hình tháp ở Quảng trường và cung điện Bourbon.

khoahoc.com.vn


RYAN PELTIER VÀ NGHỆ THUẬT MINH HỌA

Nguyễn Huỳnh Lê

Lấy cảm hứng từ nghệ thuật dân gian châu Âu châu Mỹ, nghệ sĩ vẽ minh họa người Mỹ RYAN PELTIER đã cống hiến cho thế giới những hình ảnh mới về cuộc sống. Dường như hết thảy những giọt nước mắt nhân sinh đều được lau khô qua cách tiếp cận của Ryan Petier, thế giới như trở nên mới hơn, thì chẳng phải chúng ta không thể không vui khi những tác phẩm của Ryan Petier đã được bày ra ở trước mặt.







work scoot1

24_pellybwbike1
pelt02
5.1 8
europa2
naked thinking
one

treessmall

away
work scoot1

24_pellybwbike1
pelt02
5.1 8
europa2
naked thinking
one
treessmall


TỤC ƯỚP ĐẦU KINH DỊ

ký sự từ trang Phunutoday

Tục ướp đầu kinh dị của các bộ tộc vùng Amazon

Theo một nghi thức cổ, bộ tộc người Shuar, sinh sống trong rừng rậm Amazon, thường chặt đầu của kẻ thù sau đó đem đi ướp bằng cách nhồi đá, sỏi vào miệng.

Thậm chí, Ngày nay, phong tục kì dị này vẫn tồn tại và phát triển với những biến tướng của nó. Các thổ dân của bộ tộc này thậm chí còn trưng bày và bán những chiếc sọ người đã được ướp này.

Nhìn số lượng đầu người, đánh giá sức mạnh chiến binh!
Những bộ tộc sinh sống trong vùng rừng Amazon sở hữu rất nhiều phong tục kì dị. Một trong số đó có thể kể đến phong tục ướp đầu người của bộ tộc Shuar, bộ tộc Achuar hay bộ tộc Aguaruna. Những bộ tộc này chủ yếu sinh sống tại vùng rừng thuộc đất nước Peru hay đất nước Ecuador. Bộ tộc Shuar gọi nghi thức ướp đầu bằng cái tên Tsantssa hay Tzantza. Theo phong tục từ thời xa xưa, sau những cuộc chiến với kẻ thù trong rừng rậm, các chiến binh của bộ tộc Shuar sẽ giết chết các con tin bị bắt rồi chặt lấy đầu họ, mang đi ướp bằng cách nhồi đầy sỏi, cát. Nghi thức này của người Shuar được thực hiện trong sự thành kính về quan niệm tôn giáo của họ.

Tục ướp đầu kinh dị của các bộ tộc vùng Amazon
Sọ người được bày bán như… hàng lưu niệm!

Quá trình ướp đầu người sẽ bắt đầu bằng việc lấy xương sọ ra khỏi đầu. Để chắp vá lại những chỗ da bị rách, họ lấy một phần da phía sau lưng để khâu vào. Hai con mắt sẽ được thay thế bằng những loại hạt đỏ rồi được khâu chặt lại. Khuôn miệng sẽ được chốt lại bằng các thanh gỗ nhọn để đảm bảo rằng miệng khép chặt, không bị mở ra. Tiếp theo đó, những người Shuar sẽ nhét đầy sỏi và cát nóng để tái tạo hình dáng của đầu. Bước cuối cùng để hoàn thiện một chiếc đầu người ướp là dùng than củi vẽ kín phần da bên ngoài. Theo truyền thống, việc vẽ than củi lên da mang ý nghĩa giam giữ lại linh hồn của người đã chết. Người Shuar tin rằng sau khi giết được kẻ thù thì việc ướp đầu kẻ thù vô cùng quan trọng. Trong niềm tin của người Shuar, việc lấy đầu kẻ thù, nhồi đá và cát vào hộp sọ sẽ giúp cho họ chiếm đoạt được cả linh hồn của kẻ thù, lợi dụng linh hồn đó làm việc cho mình.
Ngoài ra, những chiến binh Shuar cũng cho rằng: Phải thực hiện các nghi lễ ướp đầu thì linh hồn của đối phương mới không thể rời ra khỏi thể xác đã chết để thực hiện các hành vi quấy nhiễu đến đời sống của họ. Bên cạnh đó, thì việc ướp đầu kẻ thù của người Shuar cũng được xem là hành động mang tính chất đe dọa đối phương, thị uy sức mạnh của các chiến binh trong bộ tộc. Những chiếc đầu ướp của kẻ thù sẽ được trưng bày trong nhà của các chiến binh như một chiến tích về các chiến công của họ. Các thành viên khác trong bộ lạc cũng sẽ nhìn vào số đầu ướp của các chiến binh để đánh giá sức mạnh của họ. Ngoài ra, những chiếc đầu ướp cũng được sử dụng trong các nghi lễ tôn giáo của bộ tộc hoặc các bữa tiệc mừng chiến thắng như một sự khẳng định sức mạnh tối thượng của họ. Một thời gian sau khi được sử dụng để trưng bày hoặc phục vụ cho các nghi lễ, những chiếc đầu người ướp này sẽ bị bỏ đi.
Biến tướng xấu của một tập tục kinh dị
Rừng rậm Amazon là vùng đất của những bộ tộc kì lạ. Là một khu rừng lá rộng, đất ẩm ở lưu vực sông Amazon của Nam Mỹ, vùng đất này có diện tích khoảng 7 triệu km², thuộc lãnh thổ của 9 quốc gia trong đó Brazil chiếm chủ yếu (với 60% diện tích rừng). Sinh sống trong điều kiện hết sức hoang sơ, các bộ tộc ở đây có những phong tục có một không hai trên thế giới. Không ít các bộ tộc sinh sống ở trong rừng Amazon có điều kiện sống biệt lập hẳn với bên ngoài. Theo ước tính của Hiệp hội Người da đỏ quốc gia Brazil, đất nước sở hữu 60% diện tích rừng Amazon thì có khoảng 68 cộng đồng dân cư cô lập đang sống trong rừng.
Tục ướp đầu kinh dị của các bộ tộc vùng Amazon
Các bộ tộc tại đây không những phải đứng trước nguy cơ mất phong tục mà còn có thể bị biến mất từ những cuộc tấn công. Điển hình cho điều này là trường hợp của một bộ lạc nguyên thuỷ trong rừng Amazon, từng gây xôn xao thế giới sau khi được chụp ảnh vệ tinh lần đầu tiên năm 2008, giờ đây đã mất tích sau một cuộc tấn công của những kẻ buôn lậu ma tuý. Đó là một bộ tộc với những cư dân mình nâu đỏ sống tại khu vực rừng Amazon thuộc bang Acre của Brazil, cách biên giới với Peru gần 40km. Các quan chức Brazil lo ngại rằng, các thành viên trong bộ tộc này đã bị đuổi ra khỏi nhà, thậm chí là bị sát hại bởi những kẻ buôn ma túy có vũ trang. Mối lo ngại này tăng cao khi người ta thấy một chiếc ba lô của một số kẻ buôn ma túy có chứa 20kg ma túy, cùng với những mũi giáo đặc trưng của bộ tộc này được tìm thấy trong khu vực.
Cho đến nay, phong tục ướp đầu người ít được thực hiện hơn bởi không còn nhiều các cuộc chiến giữa các bộ tộc. Thế nhưng, phong tục này đang có xu hướng trở lại với những biến tướng xấu của nó. Nghi thức ướp đầu với ý nghĩa tôn giáo trước kia của phong tục không còn được chú ý. Thay vào đó, một số người thuộc bộ tộc Shuar đã nhận thấy tính thương mại và trao đổi của những chiếc đầu ướp kì dị này. Người trong bộ tộc Shuar thường đổi đầu ướp lấy súng cho các khách du lịch hoặc người sưu tầm cá nhân. Cứ một khẩu súng sẽ đổi được một chiếc đầu ướp. Thậm chí, trong những năm 1930, người ta có thể mua một chiếc đầu này với giá 25 USD.
Do những chiếc đầu ướp không còn nhiều chính vì thế, chúng vô tình trở thành những món hàng độc, được ưa chuộng bởi một số người thích các đồ lưu niệm kì dị khi đến thăm vùng đất sinh sống của bộ tộc Shuar. Vậy nên, rất nhanh chóng, những chiếc đầu này là món hàng được săn lùng để trao đổi, buôn bán. Giá trị của những chiếc đầu người ướp đã hình thành một nhóm các tên săn đầu người ướp nhằm bán lại cho du khách. Không có những chiếc đầu người cũ, được tạo thành từ các nghi lễ sau một cuộc chiến đấu, những kẻ săn đầu người này thường tìm đến các ngôi mộ người mới chết để lấy cắp đầu người. Bởi vậy, nạn săn đầu người chết có cơ hội hoành hành ở các khu vực phía Tây Bắc của rừng Amazon.
Theo Phunutoday
zing.vn

ĐÔNG KI SỐT NHÀ HIỆP SĨ XỨ MANTRA

tiểu thuyết của Cervantes

CHƯƠNG 10

Kẻ thù tấn công dinh của Sancho Pan § a

Đã mười lăm ngày nay, Sancho Pan § a cai trị thành phố và không một ai than phiền về việc này.
Hoàn toàn trái lại! Người quản gia và bọn triều thần vây quanh ông thống đốc kinh ngạc thán phục khi chứng kiến bao nhiêu sự khôn khéo trong cái đầu của một người đàn ông dù sao cũng chỉ là một người nông dân.


Tuy nhiên có một số kẻ đùa bỡn xấu chơi, họ thấy rằng cái trò ấy đã kéo dài khá lâu nên quyết định làm cho Sancho Pan § a mãi mãi chán ghét việc cai trị của ông ta.

Vậy là, một đêm, nhân vật của chúng ta, đang ở trên giường, nghỉ ngơi yên tĩnh sau khi đã ban bố một loạt sắc dụ, thì bị đánh thức dậy bởi những hồi chuông lớn và những tiếng kêu thét. Anh ta nhỏm dậy nghe ngóng, tim đập thình thịch. Rồi anh nhảy phắt khỏi giường và mặc áo lót chạy ra cửa sổ. Một cảnh tượng ghê gớm trước mắt anh ta.

Khắp nơi người ta đang đánh lẫn nhau. Những người lính chạy tứ phía. Nhiều ngọn đuốc chiếu sáng những quang cảnh rùng rợn khủng khiếp. Cùng lúc đó, cửa phòng anh ta bật mở, khoảng hai chục người ùa vào, tất cả đều lăm lăm cây kiếm trong tay.

– Đức ông hãy cầm lấy vũ khí, hãy cầm lấy vũ khí! Kẻ thù tấn công chúng ta. Chúng đã chiếm ba phần tư thành phố và chúng ta hẳn sẽ thất bại nếu ngài không có cách gì cứu vãn. Ngài hãy cầm vũ khí và đi với chúng tôi.

– Ta cầm vũ khí để làm gì? – Sancho thở dài.

– Chưa bao giờ ta dùng đến một thanh gươm. Giá như don Quichott xứ Manche ông chủ hiền lành của ta ở đây thì hay biết mấy!

– Ngài khẩn trương lên nếu ngài muốn cứu vãn sinh mệnh của ngài và sinh mệnh của thành phố.

Kẻ thù đang phá cửa cung điện. Lát nữa chúng sẽ đến đây và chúng sẽ treo cổ ngài tại cửa sổ của ngài.
Họ gắn cho Sancho hai cái khiên trên áo lót, một cái che bụng và một cái che lưng. Đó là những cái khiên to bằng hoặc gần bằng chính Sancho và con người tội nghiệp ấy rất vướng víu khó chịu trong bộ áo giáp kỳ lạ đó. Người ta đưa cho anh một thanh bảo kiếm bên tay phải và đặt vào tay bên kia một cây giáo rất hữu ích vì anh có thể dùng để chống được..Lúc ấy những tiếng răng rắc lớn vang lên trong ngôi nhà và phần lớn các ngọn đuốc đều tắt. Trong bóng tối có một cuộc hỗn chiến không tả nổi.

Chàng Sancho tội nghiệp sợ chết khiếp bước lên và bị ngã ngửa ra. Lập tức xảy ra quanh anh ta một sự huyên náo om xòm như ngày tận thế. Một tên vô lại tai ác giẫm lên bụng anh và bắt đầu lớn tiếng ra lệnh:

– Can đảm lên! Tiến về phía bên này! Chú ý, chúng đi qua cửa này!… Hãy đi tìm các chảo đầy dầu sôi!
Bỗng có tiếng kêu khác vang lên mang đến một chút hi vọng cho ngài thống đốc khốn khổ.

– Thắng lợi, thắng lợi rồi! Nào can đảm lên!

Hãy nhìn bọn nhát gan! Chúng đã bỏ chạy!

Quả nhiên đúng là tiếng ồn ào giảm cường độ.

Ai đó mang đến một bó đuốc.

– Các người giúp ta đứng lên. – Thống đốc thở dài nói.

– Trời ơi, thưa đức ông, ngài bị bầm giập hết rồi! – Những người lính canh kêu lên khi vực San-cho đứng dậy.

– Bầm giập, đau xé, bị thương, gần chết, tất cả đều xảy ra cùng một lúc. – Sancho thì thào. – Quỷ thần ơi! Cho ta xin một chút rượu vang để ta hồi tình lại.

Khi người ta tháo bỏ vũ khí cho anh chàng, anh định ngồi lên giường song lăn ra bất tỉnh. Lúc này, những kẻ đùa cợt đã chế nhạo anh, bắt đầu ân hận về trò đùa dai của họ nhưng ông thống đốc tỉnh lại và bắt đầu chậm rãi mặc áo quần. Rồi anh xuống chuồng ngựa của tòa nhà và lại gần con lừa của mình.

– ôi! Bạn của ta ơi! – Anh kêu lên. – Mi, người bạn đường trung thành duy nhất của ta, phải chăng đúng là ta ngu ngốc đã muốn trở thành thống đốc.

Sao ta chẳng ở lại ngôi làng hiền lành của ta cơ chứ. Chúng mình mau mau quay về đó đi!

Tất cả những ai có mặt ở đó đều ngạc nhiên nghe thấy anh ta nói như vậy. Người quản gia và ông thầy thuốc, viên thư ký và người đầu bếp đứng bên cạnh anh tự hỏi những câu nói ấy có ý nghĩa ra sao?
Sancho thắng yên lên lưng con lừa của mình và trèo lên.

– Này, chuyện gì vậy. – Người quản gia nói. -Ngà i đi đâu thế, thưa đức ông?

– Ta sẽ đi đâu ư, thưa các ngài? – Sancho đáp.

– Các ngài hãy để ta quay về với cuộc sống xưa kia của ta và với tự do của ta. Ta thích cày ruộng của ta và xén nho của ta hơn. Vĩnh biệt các ngài, bây giờ hãy để ta đi, đi chữa tất cả các vết thương mà ta vừa nhận lãnh đêm nay.

Người quản gia còn cố sức để giữ Sancho lại.

Bây giờ khi biết Sancho Pan § a đã quyết ra đi, những người ấy vẫn rất muốn giữ anh ta. Họ thực sự hối.tiếc về trò đùa nhả của họ đối với anh. Nhưng Sancho lắc đầu trước tất cả những lời họ nói và đáp:

– Không, không!

– Nhưng ít ra ngài cũng phải trình báo về sự cai trị của ngài, thưa đức ông. – Người quản gia lại nói thêm nữa. ông ta cố tìm cách giữ người nông dân.

– Trình báo ư? Này, thưa ngài quản gia, người ta có nên đòi cái người tay trắng hoặc gần như thế ra đi phải trình báo hay không?

– Ngài Sancho có lý. – Lúc ấy viên thư ký nói.

– Nhưng để cho ngài ấy đi là một tai hại lớn cho thành phố. Xin ngài cho biết, thưa đức ông Sancho, rằng ngài muốn chúng tôi phải làm gì cho ngài?

– Này, – người giám mã của don Quichott nói, – hãy mở cửa chuồng ngựa cho ta và hãy nói với ta lời từ biệt, các bạn tốt bụng của ta. Đó là tất cả những gì ta yêu cầu các người.

Lần lượt người nọ đến người kia, những con người ấy vừa đến ôm hôn anh vừa thực sự ân hận vì đã trêu chọc anh quá đáng.

Sau khi chào từ biệt xong, người quản gia mở cửa chuồng ngựa và Sancho Pan § a ra khỏi thành phố, không lần nào ngoái đầu lại nhìn phía sau mình nữa.

Chàng giám mã tội nghiệp của don Quichott buồn bã cưỡi lừa đi. Ngày hôm qua đầy vinh quang, ngày hôm nay là sự bỏ rơi và nỗi cô đơn trên con đường đi qua rừng.

– ôi! – Hắn thở dài. – Sao ta không ở lại bên Jeanne Cuttières tốt bụng của ta và không biết ông chủ của ta đã ra sao rồi?

Đó là lý do nỗi buồn của Sancho. Nỗi nhớ đến chàng hiệp sĩ làm hắn lo lắng nhiều. Có gì xảy ra cho don Quichott mười lăm ngày vừa qua? Trong ý nghĩ, Sancho sống lại những cuộc phiêu lưu mà họ đã cùng trải qua bên nhau.

– Chao ôi! – Hắn thì thầm. – Chắc chắn những người ấy giễu cợt ông chủ của ta nếu không thế cứ treo cổ ta lên! Và hẳn là họ cũng giễu cợt cả ta nữa!

Nước mắt hắn trào ra.

– ôi! Anh bạn Sancho của ta, thế là chúng ta bị trừng phạt thích đáng. Vậy mi có cần thiết phải bỏ rơi lãnh chúa của mi hay không? Chứng điên nào là chứng của mi vậy? Và bây giờ liệu ông chủ có còn thân thiết như xưa với mi nữa hay không?

Người đàn ông trung hậu than thở và con lừa được thả lỏng tự ý đi theo con đường nó thích.

Đột nhiên đất bỗng sụt dưới chân con lừa và San-cho cùng với con vật ngã nhào xuống cái hố đen ngòm..Cái hố nơi Sancho nằm có thể trước kia người ta đào để bẫy chó sói hay gấu. Nhưng lúc này chỉ có một cách giải thích xuất hiện trong trí tưởng tượng của hắn.

Những thầy pháp của ông chủ hắn trả thù hắn về những lời dối trá mà hắn đã kể cho don Quichott. Dĩ
nhiên, thầy pháp Merlin đã kéo hắn xuống cái hố này và chẳng bao lâu nữa ông ta sẽ đến để đưa hắn xuống địa ngục.

– Thế là đáng đời ta. – Hắn thở dài. – Lần này thì vĩnh biệt Jeannette. Đúng là lúc kết thúc mọi cuộc phiêu lưu của chúng ta! Có ai lại nghe thấy ta ở đây bao giờ!

Nhiều tiếng đồng hồ trôi qua với những lời than vãn kêu cứu tuyệt vọng. Sancho cố hết sức trèo lên nhưng vô ích, đất luôn bị vỡ ra dưới bàn tay hắn và hắn lại bị trượt xuống đáy hố.

Đêm xuống và ở đấy không còn nhìn thấy gì rõ nữa thì anh giám mã bỗng nghe thấy tiếng động ở phía trên.

– ôi! Dù có là ai đi chăng nữa xin hãy thương lấy Sancho tội nghiệp bị ngã xuống cái hố chết tiệt này. – Hắn kêu lên.

Vậy mà, người khách bí hiểm không phải ai khác, lại là don Quichott. Chàng hiệp sĩ dừng ngựa trên miệng hố.

– Theo linh cảm của ta, nếu ta nghe đúng, đó là tiếng Sancho gọi ta. – Nhà quý tộc nói. – Và tiếng đó dường như vọng ra từ cái hố này.

– Này! Ngài don Quichott ơi! – Sancho vui mừng kêu lên vì nhận ra giọng nói của chủ hắn. -Có phải là ngài đó không?

– Sancho tội nghiệp ơi, – chàng hiệp sĩ nói tiếp, – hãy cho ta biết bí mật về cái chết của mi. Có thể ta sẽ trả thù được cho mi. Nói cho ta biết tên những kẻ đã vùi mi dưới nấm mồ này. Suốt đời ta sẽ cầu nguyện cho sự bằng an của linh hồn mi.

– Thưa ngài, nhưng tôi không chết, và con lừa của tôi cũng sống như tôi! Hãy kéo chúng tôi ra khỏi đây, tôi cầu xin ngài!

– Kéo mi ra khỏi cái hố này ư, Sancho?

– Vâng, thưa ngài. Và xin ngài vui lòng nhanh lên.

– Vậy mi chưa chết à, anh bạn Sancho? – Chàng kêu lên trong khi xuống ngựa. – Có chính là mi ở đó không?

– Vâng thưa ngài. Tôi xin ngài hãy cứu tôi ra khỏi bước gian nan này.

Vất vả lắm chàng hiệp sĩ mới kéo được anh giám mã của chàng lên khỏi hố và cả hai người còn mất công nhiều hơn nữa để lôi được con lừa bất hạnh lên..- ôi! Thưa ngài! – Sancho Pan § a kêu lên trong khi sụp xuống chân lãnh chúa của hắn. – Tôi sung sướng xiết bao được gặp ngài!

– Và ta cũng vậy, anh bạn Sancho ạ. – Don Quichott xúc động đáp. – Vậy mi không ở thành phố của mi nữa ư?

– Không, thưa ngài. Còn ngài, ngài không ở lâu đài nữa ư?

– Không. – Chàng hiệp sĩ đáp với vẻ buồn bã.

– Cuối cùng ta đã nhận ra những kẻ đó giễu cợt chúng ta. Mi hãy tưởng tượng, anh bạn Sancho, rằng công tước phu nhân nhất thiết sai người cạo ria mép của ta! Mi có nhìn thấy don Quichott với bộ mặt trơ trụi như mặt một đứa trẻ mới đẻ không?

– ôi! Thưa ngài, ngài đã hành động đúng là ra đi.

– Vậy đi thôi, anh bạn Sancho, chúng ta sẽ đi tới những cuộc phiêu lưu mới.

– ở đâu, quỷ ạ, ngài còn muốn đi nữa ư, thưa ngài?

– Ta đi đến xứ Barcelone anh bạn Sancho ạ.

Không nói thêm, don Quichott phi ngựa nước kiệu bỏ đi. Thế là Sancho đành phải đi theo chàng, vừa đi vừa thốt ra những tiếng thở dài có thể làm động lòng một quả núi.

Hết cuộc phiêu lưu này đến cuộc phiêu lưu khác, hết cột cây số này đến cột cây số khác, cuối cùng don Quichott đến được bức tường thành Bar-celone.

Chàng chẳng còn quan tâm mấy đến những người chàng gặp. Chàng đi, với bước chân chầm chậm của Rossinante, thả cho mình đu đưa, buồn man mác và lặng lẽ. Phía sau chàng, Sancho Pan § a bước tới buồn bã và thở dài.

Một buổi sáng lúc don Quichott đi dọc theo bờ biển, bao giờ cũng có anh giám mã theo sau, chàng thấy một kỵ sĩ, cũng trang bị vũ khí và mặc giáp sắt như chàng đi tới. Anh ta mang một chiếc khiên sáng rực tựa như vàng. Một hình trăng lưỡi liềm được sơn màu trắng. Anh ta đến gần don Quichott.

– Ta rất sung sướng được gặp nhà ngươi. – Anh ta nói. – Ta là hiệp sĩ Mặt Trăng Trắng và ta tin chắc rằng tiếng tăm những việc làm lừng lẫy của ta đã truyền đến nhà ngươi.

– Ta hoàn toàn không biết gì những chuyện đó.

– Don Quichott đáp. – Vậy xin lỗi ngài muốn gì?

– Ta muốn, – hiệp sĩ Mặt Trăng Trắng hãnh diện đáp, – ngươi chấp nhận ngay rằng quý nương của ta vô cùng xinh đẹp hơn và đáng yêu hơn công chúa mạo xưng Dulcinée du Toboso của nhà ngươi.

– Ngài hiệp sĩ trâng tráo ơi, hoặc là ngài điên, hoặc ngài đã chán sống. – Nhà quý tộc nhún vai lên giọng đáp.

Đối thủ của chàng cả cười..- Hãy nghe ta đây. – Hắn nói. – Nếu ta đánh bại nhà ngươi, ta chỉ yêu cầu ngươi giải giáp vũ khí một năm và mi hãy lui về lâu đài của nhà ngươi.

Nếu bất đồ ngươi là kẻ chiến thắng thì ta sẽ bỏ lại cả ngựa và vũ khí cho ngươi và ngươi có quyền lấy đầu ta.

– Mi chỉ là một tên hèn nhát và một kẻ khoác lác! – Don Quichott kêu lên phẫn nộ. – Và ta không biết cái gì đã ngăn cản ta không ra lệnh cho giám mã của ta lấy gậy để đuổi mi ra khỏi xứ này.

– ấy! Thưa ngài, – Sancho nói, – sao ngài nói mạnh thế!

– Ta thách nhà ngươi đó, thưa hiệp sĩ. – Hiệp sĩ Mặt Trăng Trắng đập lại. – Có thể nói được rằng don Quichott xứ Manche chỉ là một tên hèn nhát không dám chiến đấu khi hắn đã nắm chắc phần thất bại hay không?

– ôi! Quý nương của ta ơi! – Nhà quý tộc lẩm bẩm. – Nàng chớ có nghe những gì tên khốn nạn đó kể lể!

– Nào, – hiệp sĩ Mặt Trăng Trắng kêu lần cuối, – mi có quyết đấu hoặc mi tự nhận trước là thua trận và chịu rút lui về nhà mi trong một năm không?

Vừa lúc ấy, thống đốc xứ Barcelone qua đó với vài nhân vật quan trọng tùy tùng. Chàng hiệp sĩ Mặt Trăng Trắng kể cho ông ta hiểu rõ câu chuyện.

– Nào vào cuộc đi, các ngài, – cuối cùng ông ta nói với họ, – và mong Trời phù hộ cho các ngài.

Hai hiệp sĩ xông lên quần thảo nhau. Nhưng Rossinante bị mệt, trong khi ngựa của chàng Mặt Trăng Trắng là một giống ngựa thuần chủng đầy sức lực và đã được nghỉ ngơi tốt.

Khi cuộc đụng độ xảy ra, chàng hiệp sĩ Mặt Trăng Trắng thậm chí thấy chẳng cần hạ ngọn giáo xuống. Cuộc va chạm mạnh đến nỗi don Quichott bị ngã ngựa, lăn đi nhiều vòng và Rossinante bị ngã quay ra đất.

Lập tức người thắng cuộc quần thảo kỳ cục xuống ngựa và tuyên bố:

– Ngươi là kẻ bại trận, thưa hiệp sĩ. Ngươi có chịu những điều kiện của cuộc đấu hay ta phải kết liễu đời nhà ngươi?

Nhà quý tộc đáp giọng yếu ớt, vì chàng bị đau nhừ do cú ngã vừa rồi.

– Xin giết ta đi, hỡi hiệp sĩ! Giết ta đi!

– Không, không! – Chàng hiệp sĩ vội trả lời ngay. – Ngươi hãy trở về nhà một năm như chúng ta đã thỏa thuận trước trận đấu và ta sẽ thỏa lòng.

Viên thống đốc thành phố đã lại gần và nghe rõ câu trả lời của don Quichott.

– Ta chấp nhận miễn là nhà ngươi không yêu cầu ta chống lại những lợi ích của quý nương Dul-.cinée của ta, và ta tuân theo những điều kiện của nhà ngươi.

Nghe thế rồi, kẻ thắng trận chào viên thống đốc, lên ngựa và nhanh chóng biến mất. Nhưng viên thống đốc muốn biết rõ thêm về thân thế của anh chàng hiệp sĩ, ông phái một người bạn đi theo anh ta. Mọi người nâng don Quichott dậy, cởi áo giáp và mũ cho chàng.

– Không thể để nhà quý tộc này ở đây trong tình trạng thế này. – Viên thống đốc nói. – Hãy cho gọi một chiếc xe đưa ông ta vào nhà trọ trong thành phố.

Rồi ông ta quay về dinh của mình. Lát lâu sau, người bạn được phái đuổi theo hiệp sĩ Mặt Trăng Trắng xin được yết kiến. Đi theo ông có người chiến thắng don Quichott. Chàng ta chào viên thống đốc và tự
giới thiệu:

– Tôi là người thợ cạo Nicolas…

HẾT

vietnamcayda.com


Ý THỨC MỚI TRONG VĂN NGHỆ VÀ TRIẾT HỌC (CHƯƠNG 9 TIẾP THEO)

Phạm Công Thiện

(Tiếp chương chín)

9.

Về vấn đề thời gian của Faulkner, trong một quyển sách khảo luận về tiểu thuyết tâm lý, Leon Edel viết: “Ta chỉ có thể hiểu được cách cấu tạo và nội dung chủ đề của quyển The Sound and the Fury khi ta lãnh hội được mối bận tâm kỳ lạ của Faulkner về thời gian hay là phi thời gian” [1] .

Tôi không nghĩ thế.

Vấn đề thời gian là một trong những vấn đề quan trọng (chưa phải là quan trọng nhất). Con người bị thời gian ám ảnh là một trong những đề tài quan trọng của quyển The Sound and the Fury.

Sartre đả kích Faulkner vì Sartre cho rằng Faulkner đã cắt bỏ tương lai, vì thế hiện tại cũng chẳng thành hiện tại mà chỉ còn có quá khứ thôi, le présent n’est pas, il devient: tout était [2] , tôi hiện không tồn tại, tôi chỉ tồn tại ở quá khứ, je ne suis pas, j‘étais; Sartre cho như thế là sai lầm, bởi vì tính chất của ý thức bao hàm ý thức tự phóng tới đằng trước ở tương lai, ý thức ấy tự định bản chất hiện tại của nó bằng những khả năng của chính nó, la nature de la conscience implique au contraire qu’elle se jette en avant d’elle – même dans le futur; on ne peut comprendre ce qu‘elle est que par ce qu‘elle sera, elle se détermine dan sons être actuel par ses propres possibilités [3] , người ta chỉ có thể hiểu được tính chất hiện tại của ý thức là nhờ tính chất tương lai của nó, vì thế con người không phải là toàn thể những gì mình có mà toàn thể những gì mình chưa có, toàn thể những gì mình sẽ có thể có, l’homme n’est point la somme de ce qu’il a, mais la totalité de ce qu’il n’a pas encore de ce qu’il pourrait avoir [4] . Quan niệm thời gian của Faulkner không phải như thế. Jean-Paul Sartre bênh vực tương lai và bỏ quên quá khứ. Đối với Faulkner, thời gian là một toàn thể, có quá khứ, có hiện tại và có tương lai. Faulkner không cắt bỏ phần nào.

Mối bận tâm của Faulkner về thời gian nằm ở chỗ khác: theo tôi, đối với Faulkner, vấn đề đặt ra không phải là quá khứ, hiện tại hay tương lai mà là phân biệt giữa thời gian thực sự và thời gian giả tạo.

Aldous Huxley cũng đặt ra vấn đề thời gian giống như Faulkner. Thời gian của quyển The Sound and the Fury (Faulkner) và của quyển Eyeless in Gaza (Aldous Huxley) đều đảo lộn hết, ngày tháng năm đều nằm lộn xộn chứ không theo thứ tự thường lệ. Quyển The Sound and the Fury mở đều chương đề ngày 7-4-1928, rồi chương kế đó là 2-6-1910, chương tiếp theo là 6-4-1928, rồi chương cuối là 8-4-1928; quyển Eyeless in Gaza mở đầu với chương nhất đề ngày 30-8-1933,
chương kế tiếp 4-4-1934 chương tiếp là 30-8-1933, chương kế tiếp là 6-11-1902, vân vân.

Tại sao vậy? Pourquoi Faulkner a-t-il cassé le temps de son histoire et en a-t-il brouitlé les morceaux? (Sartre). Tại sao vậy?

Bởi vì Faulkner và Aldous Huxley muốn đạt đến thời gian thực sự, chứ không phải thời gian giả tạo.

Thời gian thực sự là như thế nào? Là thời gian không bị xác định phân chia bởi những phát sinh của con người. Là thời gian thiên nhiên, thời gian của vũ trụ.

Trước kia, vào ngày xưa, con người sống thư thái điều hoà trong lòng thời gian với tiết điệu nhịp nhàng vận chuyển luân lưu của bốn mùa; xuân, hạ, thu, đông trở đi, trở lại một cách khoan thai điều hoà. Con người sống trong lòng thiên nhiên; thời gian trôi chảy êm đềm theo những đoá hoa đào, hoa mai hoặc hoa phượng hoặc những lá vàng hay những cành cây khô; thời gian trôi chảy nhẹ nhàng theo ánh mặt trời, triêu dương rồi lại tịch dương và theo ánh trăng, trăng tròn rồi lại trăng khuyết. Thế rồi từ khi con người trở nên văn minh tiến bộ, con người phát minh ra máy móc; cùng với máy móc, người ta phát minh ra thời gian mới; thời gian mới đối nghịch lại thời gian và xô đẩy thời gian cũ ra ngoài ý thức con người. Thời gian là thời gian của mặt trời, mặt trăng, của xuân hạ thu đông. Thời gian mới là thời gian của tấm lịch, của đồng hồ, của cây kim dài, cây kim ngắn. Thời gian mới không có gì nguy hiểm. Chỉ nguy hiểm là tại người ta biến thời gian mới ấy trở thành một ông chủ tàn bạo và con người trở thành mất ăn mất ngủ vì suốt ngày đôi mắt bơ phờ cứ bị những con số hành hạ.

Thời giờ là một sự phát minh gần đây… nó là phó sản của chế độ kỹ nghệ… ngày nay thời giờ đã trở thành kẻ độc tài bạo ngược đối với chúng ta (Aldous Huxley). Đi đâu tôi cũng thấy đồng hồ! Tôi phải hấp tấp vội vã suốt ngày. Ngày xưa người thợ tha hồ làm việc thảnh thơi chậm chạp, nhưng ngày nay những công nhân thường hay bị hối thúc liên miên; họ phải sản xuất cho nhiều cho nhanh để kịp ngày, kịp giờ, kịp phút, kịp giây. Chờ đợi, đối với tôi, là cả một cực hình. Tôi mất cái khoan thai ung dung của cổ nhân; nếu phải chờ đợi hay chờ đợi một việc gì, tôi cảm thấy bực bội nóng lòng vô cùng, còn đâu dáng bình thản của Khương Tử Nha bên dòng sông Vị?

Đối với con người sống thời tiền kỹ nghệ, thời gian trôi chảy một cách chậm chạp nhẹ nhàng, người ta không bận tâm lo lắng về mỗi phút; bởi vì người ta cũng chưa bị ý thức về những thứ ấy (Aldous Huxley).

Ngày nay, tôi lo lắng để ý từng giờ, từng phút, từng giây, thời gian mới ấy rất có ích lợi đối với chúng ta, nhưng đồng thời chính thời gian mới ấy cũng chi phối ăn mòn giết hại hình hài và tâm hồn tôi. Ý thức máy móc đã đánh mất ý thức thiên nhiên và con người phải sống tù hãm trong vòng kiềm toả của những ý niệm trừu tượng máy móc. Thời gian của chúng ta hiện nay là thời gian giả tạo, làm bằng máy. Ngày nay phần nhiều chúng ta đã gần như hoàn toàn quên mất thời gian thiên nhiên, thời gian vũ trụ được đo bằng mặt trời và mặt trăng… Con người thời tiền kỹ nghệ không thể bao giờ quên sự vận chuyển oai nghi của thời gian vũ trụ. Kỹ nghệ và đời sống thành thị đã thay đổi hết mọi sự. Người ta có thể sống và làm việc trong một thành thị mà không cần ý thức đến sự vận hành thường nhật của mặt trời, không cần bao giờ ngắm nhìn mặt trăng và những ngôi sao. Ngay đến sự thay đổi thời tiết cũng rất ít ảnh hưởng đến người dân ở thành thị. Người ta sống trong một vũ trụ giả tạo bị ngăn chia ra ngoài thế giới thiên nhiên bằng một bức tường. Ở bên ngoài bức tường, thời gian thuộc về vũ trụ và di chuyển theo nhịp điệu của mặt trời và những ngôi sao. Bên trong bức tường, thời gian là công việc của những bánh xe xoay tròn và được đo bằng những giây và những phút [5] (Aldous Huxley).

Đối với Faulkner và Aldous Huxley, thời gian thực sự là thời gian thiên nhiên hay thời gian vũ trụ (natural, cosmis time) và thời gian giả tạo là thời gian của đồng hồ hay thời gian nhân tạo, do máy móc làm ra (artificial, man-made time).

Đi từ nhận định trên, tôi mới có thể hiểu ý nghĩa những câu độc thoại nội tâm của Quentin trong The Sound and the Fury như: “ Cha tôi nói rằng những đồng hồ đã giết thời gian. Cha nói rằng thời gian chết khi bị ăn mòn bởi những tiếng tích tắc của những bánh xe nhỏ; chỉ khi nào đồng hồ ngừng thì thời gian mới sống lại”. (Because Father said clocks slay time. He said time is dead as long as being clicked off by little wheels; only when the clock stops does time come to life) [6] .

“Chúa Ki tô không phải bị đóng đinh trên thập giá; Ngài đã bị ăn mòn bởi tiếng tích tắc nhỏ bé của những bánh xe nhỏ” (That Christ was not crucified: He was worn away by a minute clicking of little wheels) [7] hay “Thời gian là tai hoạ của anh” (time is your misfortune) [8] .

Thời gian đã ám ảnh Quentin là thời gian nhân tạo (thời gian của đồng hồ).

Trong quyển The Sound and the Fury, chỉ có Quentin và cha của Quentin là bị thời gian ám ảnh; còn Jason thì không bị ám ảnh; bởi vì Jason đã trở thành kẻ nô lệ của thời gian: một kẻ nô lệ mù quáng mất hết cả cá tính bản ngã. Jason đã bị thời gian (của đồng hồ) chinh phục và không ý thức rằng mình đã bị chinh phục; còn Quentin và ông cha thì ý thức được rằng họ đa bị chinh phục bởi thế họ mới bị tiếng tích tắc của đồng hồ ám ảnh ray rứt.

Benjy thì sống trong thế giới không có đồng hồ; thời gian trong thế giới ấy là thời gian thực sự – thời gian của thiên nhiên. Spoade cũng thế [9] .

Còn Dilsey thì lại không bao giờ bị đồng hồ ám ảnh và cũng không bị đồng hồ chinh phục, Dilsey biết dùng đồng hồ chứ không để đồng hồ dùng mình; Dilsey hiểu rõ hai thời gian: thời gian thực sự (thiên nhiên) và thời gian giả tạo (đồng hồ). Dilsey vừa ý thức thời gian nhân tạo vừa ý thức thời gian vũ trụ (vừa ý thức thời gian của đồng hồ vừa ý thức thời gian không có đồng hồ).

Dilsey chậm rãi ung dung thư thái không bao giờ hấp tấp vội vàng lo lắng (cf. The Sound and the Fury, a signet book, trang 187-211 và trang 219-224) (10).

Nhìn chung, ta thấy vấn đề thời gian đối với Faulkner (cũng như đối với Aldous Huxley) chỉ là vấn đề phân biệt và ý thức về thời gian thực sự và thời gian giả tạo: con người thời đại đừng để thời gian giả tạo chế ngự mình và đừng bao giờ quên thời gian thực sự của vũ trụ. Nếu có vấn đề thời gian trong tác phẩm của Faulkner thì chỉ có thế thôi, chứ không phải vấn đề quá khứ như Jean-Paul Sartre đã phê bình. Dù sao, ta cũng nên nhớ rằng vấn đề thời gian không phải là chủ đề thực sự của The Sound and the Fury. Tác phẩm của Faulkner không phải chỉ giản dị như thế.

(20-3-1962)

10.

– Người ta hỏi Faulkner:

– Ông làm nghề gì?

– Tôi là một nông dân, tôi chỉ là một người nhà quê [10] .

(15-3-1962)

11.

Jean-Paul Sartre, con người lạ lùng đã tạo ra một nhân vật như Roquentin, ai ngờ con người ấy có thể viết những trang văn đầy ngộ nhận. Roquentin không phải là anh em của Quentin hay của Meursault sao? Chỉ có tên là khác, thực ra ba người chỉ là một tâm hồn thôi. Ở La Nausée của Sartre, chàng ấy mang tên là Roquentin; đến L’Étranger của A. Camus, Roquentin đổi tên là Meursault; rồi đến The Sound and the Fury, Roquentin đổi tên là Quentin (The Sound and the Fury viết vào năm 1929; La Nausée viết vào năm 1938; L’Étranger viết vào năm 1942).

Roquentin đã không nhận ra anh em của mình. Sartre đã không nhận ra Faulkner và Camus. Trong mấy trang “Explication de L’Étranger” ở tập Situations I, Sartre đã hiểu sai Camus. Rồi đến mấy trang “La Temporalité chez Faulkner”, Sartre đã lên giọng thông minh uyên bác để làm chìm mất thiên tài lạ lùng của Faulkner.

Sartre không thể hiểu được Faulkner. Sartre cũng chẳng cảm được Faulkner, Sartre đã đem lý trí minh bạch của một người Pháp đi đến Faulkner; Sartre đã thất vọng (hay là đã thất bại).

Tôi không ngờ 11 trang của Sartre viết về Faulkner đã có ảnh hưởng lớn lao biến chuyển cả một chặng đường phê bình văn nghệ về Faulkner. Với uy tín lớn lao của một triết gia có tài, Sartre đã có ý phá hoại linh hồn Faulkner.

Sartre phê bình Faulkner vào năm 1939 và từ năm ấy trở đi, những lời thông minh của Sartre đã được một lớp phê bình gia trích đi trích lại, nhắc đi nhắc lại cho mãi đến ngày nay vẫn còn.

Giảng dạy ở trường Cao học Nữu ước vào năm 1944-45, Pierre Brodin cũng phê bình Faulkner theo giọng điệu Sartre [11] . Trong quyển L’Age du roman Américain, một quyển khảo luận rất sâu sắc về văn học Mỹ hiện đại, Claude- Edmonde Magny, giảng sư đại học đường Cambridge, cũng trích lại những lời của Sartre [12] . Một nhà văn nổi danh như Sean O’Faolain cũng hiểu sai Faulkner và năm 1953, lúc diễn thuyết tại trường đại học Princeton, O’Faolain cũng nhắc lại câu của Sartre để đả kích Faulkner [13] . Trong quyển Panorama de la littérature contemporaine aux États-Unis, John Brown phê bình Faulkner với những lời lẽ của Sartre [14] .

Thực là nguy hiểm. Sartre đã sai lầm chỗ nào? Trong bài “Temporalité chez Faulkner”, Sartre đả kích “siêu hình học về thời gian của Faulkner” của Faulkner. Điểm sai lầm lớn nhất và căn bản nhất của Sartre là đồng hoá nhân vật Quentin với Faulkner; Faulkner không phải là Quentin; có thể Quentin thể hiện một phần nào tâm tình ý hướng của Faulkner, nhưng còn Dilsey, Caddy, con gái của Caddy, và Benjy?

Từ điểm sai lầm thứ nhất dẫn đến điểm sai lầm thứ hai: Sartre phê bình Faulkner mà không đặt vào toàn văn (contexte); trọn quyển The Sound and the Fury gồm có 4 phần: phần I là độc thoại nội tâm của Benjy, phần II là độc thoại nội tâm của Quentin, phần III là độc thoại nội tâm của Jason, phần IV nói chung về Dilsey.

Một quyển tiểu thuyết gồm có 4 phần quan trọng, nhất là phần I và phần IV; Sartre cố ý cắt đứt bỏ ra 3 phần và chỉ chừa lại có một phần duy nhất là phần II, rồi đứng từ phần II ấy, Sartre thản nhiên sắp đặt cả một “siêu hình học về thời gian” và tự cho đó là “Siêu hình học của Faulkner”!.

Giở lại những trang “Temporalité chez Faulkner” của Sartre, người ta thấy tất cả những câu văn Faulkner mà Sartre trích dẫn để phê bình, tất cả những câu trích dẫn ấy đều thuộc về phần II của quyển The Sound and the Fury.

Phê bình theo điệu Sartre như vậy có thể gọi là võ đoán, hơn nữa là “catastrophique par essence”. Nếu phê bình riêng lẻ theo ý mình, không chịu đặt vào toàn văn, nghĩa là theo điệu của Sartre, tôi có thể đồng hoá tư tưởng quan điểm của Dilsey với tư tưởng quan điểm của Faulkner (cũng như Sartre đã đồng hóa Quentin với Faulkner). Tôi sẽ bỏ ra ngoài phần I, phần II và phần III của tập The Sound and the Fury, tôi chỉ lấy phần IV rồi từ phần IV ấy, tôi tự tiện xây dựng thành một “métaphysique du temps”. Ta sẽ thấy ngay “métaphysique du temps” của phần IV (của Dilsey) chống đối lại với “métaphysique du temps” của phần II (của Quentin). Như vậy trong một quyển tiểu thuyết, ta có thể xây dựng hai “siêu hình học về thời gian” chống đối ngược hẳn nhau và ta có thể tự tiện cho “siêu hình học” này là của Faulkner và ta bỏ quên “siêu hình học” kia không? Quentin là một nhân vật quan trọng trong quyển The Sound and the Fury; nhưng Dilsey cũng là một nhân vật quan trọng? (Có thể nói là quan trọng nhất, vì nếu không có Dilsey thì giá trị tinh thần nhân bản của The Sound and the Fury sẽ mất hết.)

Nếu tôi đồng hoá lập trường của nhân vật với lập trường của tác giả, tôi sẽ có lý để đồng hoá Dilsey với Faulkner hơn là Quentin với Faulkner; bởi chính Faulkner cũng muốn mọi người lưu ý đặc biệt đến Dilsey và những người da đen, chẳng hạn như trong phần “Appendix” trong quyển The Sound and the Fury (cf. Signet Book, 1959), lúc nói về Dilsey và những con cháu của Dilsey, Faulkner đã viết: “Họ đã chịu đựng, họ trường tồn” (They endured).

Nhưng tôi sẽ không thể đồng hoá bởi vì Faulkner không phải là Dilsey mà cũng không phải là Quentin; Faulkner là Dilsey + Benjy + Caddy + Quentin cậu + Quentin cháu. Faulkner là tất cả hợp lại.

Điều sai lầm lớn lao của Sartre là chỉ nhìn thấy một khía cạnh mà cho đó là tất cả, ông lầm một phần với toàn thể.

Tại sao Faulkner phá hủy thời gian của câu chuyện và xáo trộn lại hết? Pourquoi Faulkner a-t-il cassé le temps de son histoire et en a-t-il brouitlé les morceaux ?

Sartre tự hỏi và tự trả lời: “Một kỹ thuật tiểu thuyết luôn luôn đưa ta về siêu hình học của tiểu thuyết gia” (une technique romanesque renvoie toujours à la métaphysique du romancier) và “bổn phận công việc của nhà phê bình là đem ra, tìm ra siêu hình học của tác giả trước khi phê phán kỹ thuật” (La tâche du critique est de dégager celle-ci avant d’apprécier celle là) [15] .

Thế rồi Sartre cố gắng tìm ra siêu hình học của Faulkner: “Thực hiển nhiên, siêu hình học của Faulkner là một siêu hình học về thời gian”. Or, il saute aux yeux que la métaphysique de Faulkner est une métaphysique du temps [16] .

Dựa trên căn bản nào, nền tảng nào mà Sartre cho rằng siêu hình học của Faulkner là “siêu hình học của thời gian” ( “métaphysique du temps”)? Đọc trọn bài Sartre, ta thấy Sartre chỉ căn cứ vào nhân vật duy nhất là Quentin (Sartre chỉ trích dẫn những trang 110, 84, 92, 87, 120, 158, 167, 83, 87, 178 của bản dịch Le Bruit et La Fureur do Maurice E. Coindreau dịch; tất cả những lời trích để dẫn chứng đều là những lời độc thoại nội tâm của Quentin).

Sartre chỉ căn cứ vào những lời nói của nhân vật Quentin để xây dựng “siêu hình học về thời gian của Faulkner”. Vậy Quentin là ai? Quentin là một trong sáu nhân vật chính của quyển The Sound and the Fury (những nhân vật khác là Benjy, Dilsey, Caddy, Jason và con gái của Caddy).

Quentin là người con trai lớn trong một gia đình suy tàn đổ vỡ; Quentin chán đời đau đớn đến cùng cực vì đã chứng kiến bao nhiêu phân tán tồi tệ của gia đình. Quentin rất yêu em gái và rất trọng danh dự gia đình. Đó là những nguyên cớ chính đã đưa chàng đến ý nghĩ tự tử sau khi chàng thấy đứa em gái đĩ thõa và thấy danh dự của gia đình bị bán rẻ đến cùng cực.

Trạng thái tinh thần của Quentin không được bình thường và mất quân bình. Quentin chưa phải là một người điên, nhưng có thể nói là sắp điên; Quentin là con người thác loạn, mang bệnh thần kinh thác loạn và Quentin đã chết vào năm 1910: chàng tự tử.

Sartre căn cứ vào phần II (của quyển The Sound and the Fury) để xây dựng “métaphysique du temps” của Faulkner. Và phần II là gì? Chọn phần II chỉ là phần độc thoại nội tâm (monologue intérieur) của Quentin. Đọc phần II ấy, tôi chỉ thấy những ý tưởng xáo trộn khó hiểu của một kẻ thác loạn. Tôi bàng hoàng tự hỏi: “tại sao Sartre lại căn cứ vào những ý tưởng rời rạc của một kẻ thác loạn sắp tự tử và tự cho rằng những ý tưởng xáo trộn ấy là ý tưởng của Faulkner?”

Đọc bài của Sartre, tôi không thấy Sartre đả kích Quentin mà tôi chỉ thấy Sartre đả kích Faulkner bởi vì Sartre đã tự ý cho rằng Quentin là Faulkner! Ngoài điều sai lầm căn bản trên, tôi còn thấy một sai lầm khác. Cái métaphysique mà Sartre cho rằng của Faulkner như chúng ta đã thấy, đó là của nhân vật Quentin, nhưng tôi còn có thể đặt thêm một nghi vấn nữa: “Có thực đó là métaphysique của Quentin hay là chính Sartre đã giàu tưởng tượng?”. Có phải là Quentin đã bị thời gian ám ảnh, đã bị thời gian khoét mòn? Đúng. Có phải Quentin chỉ sống ở quá khứ và chỉ có quá khứ đối với Quentin là một thứ siêu thực tại (une sorte de surréalité)? Đúng. Nhưng… ta phải phân biệt phụchính. Đối với Quentin, sự chết đã ám ảnh chàng mãnh liệt nhất, trên tất cả mọi sự, trên cả sự ám ảnh của thời gian hay của quá khứ (trong phần “Appendix” cho quyển The Sound and the Fury chính Faulkner đã nói về Quentin như sau: “Quentin yêu sự chết trên tất cả mọi sự…” (cf. signet book, 1959, trang 9). Chính những hình ảnh đau thương đồi trụy của gia đình (cha mẹ, những đứa em trai, nhất là em gái), chính những hình ảnh xót xa điêu đứng ấy đã làm sự chết trở nên quyến rũ đối với Quentin, đã làm Quentin trở nên khác lạ và khiến Quentin có ý nghĩ loạn luân với Caddy (ý nghĩ ấy chỉ là sản phẩm của một khối óc điên loạn muốn tìm một lối thoát kinh khủng để vượt ra ngoài Hư Vô khốc liệt).

Tại sao Quentin đã tự tử? Vì bị thời gian ám ảnh? Không phải thế. Chính cảnh đổ nát của gia đình chàng đã đưa chàng đến chỗ tự tử và chàng đã tự tử lúc tinh thần thác loạn nhất và bị khủng hoảng nhất. Tóm lại, tôi thấy “métaphysique du temps” của Faulkner (hay của Quentin) chỉ là sản phẩm của óc tưởng tượng phong phú của Sartre: Sartre đã có sẵn một số ý niệm về triết lý hiện sinh của riêng ông và bị những ý niệm liberté projet ám ảnh quá mãnh liệt đến nỗi khi đọc Faulkner, Sartre đã bám vào một vài ý nghĩ nào đó rồi tự vẽ ra thành những bóng ma mơ hồ không đúng với sự thực hay là tinh thần của Sartre là một thứ chủ nghĩa Don Quichottisme? Và cái “métaphysique du temps” trong The Sound and the Fury chỉ là những máy xay gió, những moulins à vent !

(12-X-1960)

12.

Con người là con người của những tai hoạ của mình nhưng rồi một hôm anh sẽ nghĩ rằng tai họa ấy sẽ trở nên mệt chán và lúc bấy giờ thời gian đã trở thành tai hoạ của anh. A man is the man of his misfortunes one day you’d think misfortune would get tired, but then time is your misfortune [17] .

Câu này là câu độc thoại nội tâm của Quentin: chàng nhớ lại lời nói của cha chàng. Sartre trích dẫn câu trên vào trong bài “Temporalité chez Faulkner” và Sartre cho đó là “chủ đề thực sự của quyển tiểu thuyết” (Tel est le véritable sujet du roman) [18] . Con người bị thời gian ám ảnh có phải là chủ đề thực sự của The Sound and the Fury? Không phải. Con người bị thời gian ám ảnh chỉ là một trong những đề tài quan trọng của quyển The Sound and the Fury, và không phải là chủ đề thực sự. Vậy chủ đề thực sự của The Sound and the Fury là gì? Là gia đình Compson tàn tạ sụp đổ thối nát. Là tuổi thơ hồn nhiên ngây dại đã mất. Là một kiếp người bi đát. Là một thằng Benjy khùng ngốc, đau đớn ngửi được những tấn bi kịch ngàn năm của con người và Benjy là con người thực sự, con người ở trạng thái nguyên thủy trọn vẹn, chưa mất mát gì: con người ở thuở khai thiên lập địa, con người ở vườn Eden trước khi bị lưu đày. Là Caddy đau thương chấp nhận thân phận chua xót của một người đàn bà. Là Quentin (cậu) và Quentin (cháu gái), hai con người bị hành hạ ở hỏa ngục của đời người. Là Jason mà hỏa ngục cũng không nhận và thiên đàng cũng không nhận; chỉ có thế kỷ XX này chấp nhận Jason mà thôi; Jason là con người kiểu mẫu của nền văn minh thời đại: l’homme-masse (xin mượn danh từ của triết gia Ortega Y Gasset). Là Dilsey, con người cuối cùng chứng kiến sự sụp đổ thê thảm, sự tàn vong của tất cả mọi thế hệ; Dilsey đứng chống đối lại l’homme-masse để bảo vệ, giữ lại linh hồn con người giữa bao nhiêu điêu đứng tơi bời của thời đại. Là… là… là…

Đó là chủ đề thực sự của quyển The Sound and the Fury, chứ không phải cái “métaphysique du temps” của Jean-Paul Sartre.

(12-X-1960)

13.

Trong phần mở đầu cảu quyển The Portable Faulkner, Malcolm Cowley kể lại rằng Faulkner không bao giờ chịu giải thích hay cung cấp tài liệu về ông và cũng không hề cải chính hay sửa lại những điều sai lầm người ta nói về cuộc đời ông [19] .

Malcolm Cowley còn kể thêm rằng Faulkner không bao giờ bận tâm để ý phải viết tên mình là có u hay không có u!

(10-X-1960)

14.

Trong bài “Faulkner ou l’inversion théologique”, Claude-Edmonde Magny đã đưa ra vài khía cạnh thâm trầm sâu sắc hơn Jean-Paul Sartre nhưng tác giả lại cũng lập luận theo điệu Sartre ở đoạn nói về thời gian: cũng trở lại cái “passé figé” [20] ! Những lý trí gặp nhau là phải!

(10-X-1960)

15.

Bàn về tác phẩm Faulkner, Michel Mohrt viết những lời thật thâm trầm: Những người da đen, những phạm nhân, những gái đĩ, những cụ già (trong tác phẩm Faulkner) là những kẻ sẽ ngăn cản sự tàn phá thành phố sa đoạ của Sodome và Gomorrhe”, Michel Mohrt cho rằng siêu hình học của Faulkner được đặt trên ý niệm về tội nguyên thủy [21] . Michel Mohrt có lẽ hiểu Faulkner hơn Sartre. Lời nói của Michel Mohrt khiến ta nhớ đến Kierkegaard. Những trang văn của Faulkner bàng bạc những xao xuyến siêu hình mà chỉ có tư tưởng của Kierkegaard là mới có thể giúp ta hiểu nổi ý nghĩa sâu thẳm của bối cảnh tâm linh trong tác phẩm của Faulkner, nhất là ý nghĩa của niềm tương quan huyền bí giữa Siêu thể trác việt và Hiện Thể trần gian.

(21-III-1962)

_____
[1]Leon Edel: The psychological novel, 1900-1950, J-B. Lippincott Co, NY, 1955, trang 149: The structure and content of Faulkner’s masterpiece, The Sound and the Fury, can be understood only if we grasp his singular absorption with time or timelessness.
[2]cf. Le présent chemine dans l’ombre, comme un fleuve souterrain et ne réapparait que lorsqu’il est lui-même passé (Sartre, Situations I, trang 74).
[3]Sartre, Situations I, trang 79.
[4]Sartre, Situations I, trang 80.
[5]Aldous Huxley: The Olive Tree, 1937 (cf L’Olivier et autres essais, trad. Jules Castier, Du Seuil, trang 123-125).
[6]Faulkner: The Sound and the Fury, a signet book, trang 71.
[7]Faulkner: The Sound and the Fury, trang 66.
[8]Faulkner: The Sound and the Fury, trang 83.
[9]Faulkner: The Sound and the Fury, trang 67 (Spoade cũng có phong thái bình thản không hấp tấp).
[10]John Brown: Panorama de la litérature contemporaine aux États – Unis, Gatlimard, 1954, trang 184-185.
[11]cf. Pierre Brodin, Les Écrivains américains de l’Entre deux guerres, Horizons de France, Paris 1946m trang 154, trang 168-169.
[12]Claude-Edmonde Mapny, L’Age du roman Américain, Éditions du Seuil 1948, trang 201-202-203-204-205.
[13]cf. Sean O‘Faolain, The Vanishing Here, Groset and Dunlad, NY, 1956, trang 90-93-96.
[14]John Brown: Panorama… , op. cit. trang 180-181-199.
[15]Sartre, Situations I, Gallimard 1947, trang 70.
[16]Sartre, op. cit, trang 71.
[17]Faulkner: The Sound and the Fury, a signet book 1959, trang 83.
[18]Sartre, Situations I, trang 71.
[19]Malcolm Cowley: The Portable Faulkner, Viking Press, NY, 1954. trang 4 (“Introduction”).
[20]Claude-Edmonde Mapny, L’Age du roman Américain, trang 200-207.
[21]Cf. Histoire des Littératures 2, encyclopédie de la Pléiade, NRF, 1956, trang 601-603.

talawas.org 

SỨC MẠNH CỦA NHỮNG TỪ

Nguyễn Huỳnh Lê

Nghệ thuật không bao giờ hết ngạc nhiên! Nhiếp ảnh gia và nghệ sĩ Việt Nam Huy Lâm đã tạo ra một số minh họa đáng kinh ngạc. Điều gì làm cho chúng trở nên đặc biệt? Mỗi tác phẩm được tạo thành từ những từ, chứ không phải nét cọ! Bằng cách sử dụng những từ lặp đi lặp lại trong màu sắc khác nhau, Huy Lâm hy vọng sẽ “kích động tư tưởng, thảo luận và thậm chí cả tiếng cười” Có khó khăn để tìm ra từ hoặc các từ mà ông sử dụng

<img



Bought a T-Shirt



Genius



One Love



36-24-37



Not Staged



Calories 320



Calories 540



Calories 610

Huy Lam’s website


ĐỒ CỔ

truyện ngắn của Slawomir Mrozek
chuyển ngữ : Hoàng Ngọc Biên

Tôi bước vào một tiệm bán đồ cổ và, trong khi đưa mắt lục lọi, tôi nhận ra, trong góc tiệm, một pho tượng lớn bằng người thật thể hiện một thanh niên mang một bộ râu. Pho tượng nằm giữa một cái đồng hồ kiểu Đế chế[1] và một cái lọ triều Minh.

– Bằng sáp hay bằng ngà? tôi hỏi người chủ tiệm.
– Chẳng bằng sáp cũng chẳng bằng ngà. Đây là một nhà cách mạng chính cống cuối thế kỷ hai mươi, thứ thiệt. Ông chuyên mua đồ cổ?
– Một nhà cách mạng cỡ như thế, tượng hẳn phải đắt lắm?
– Không phải vậy đâu! Tôi nhường không nó gấp ba lần nhường đấy, vì ngày nay các nhà cách mạng đã hạ giá nhiều rồi. Tượng đó tôi còn có hai mươi pho dự trữ. Thành thật nói, với tư cách là đồ cổ, do là hàng cung ứng thừa thãi, thực tế nó chẳng có chút giá trị nào.
– Vậy thì tại sao ông đề nghị tôi mua nó?
– Là bởi nó còn có thể có một giá trị sử dụng, nghĩ vậy cũng được.
– Nó có thể có ích lợi gì vậy?
– Ông đem nó về để trong nhà và nó sẽ cách mạng hoá[2] ông.
– Thế có nghĩa là?
– Nó sẽ đập bể bát đĩa của ông, nó sẽ rứt mất những tay nắm ở cửa, nó sẽ làm vấy bẩn tấm thảm phòng khách nhà ông… nghĩa là tất cả những gì mà một nhà cách mạng thường làm.
– Và ông gọi thế là có ích hả? Thế thì anh ta chẳng làm gì khác hơn là gây tổn hại.
– Thế trong đời sống ông không thấy buồn tẻ sao? Nào, hãy thú nhận đi.
Tôi lim dim nhắm mắt. Và tôi thấy diễn ra trong đầu tôi những dụng cụ nhà bếp sắp xếp thứ tự đâu đó đàng hoàng, như xưa nay vẫn thế, trên những ngăn kệ, những tay nắm ở cửa bất di bất dịch nằm đúng chỗ của chúng, tấm thảm vẫn không chê vào đâu được trong phòng khách… Quả thực, là thiếu góc cạnh, buồn tẻ làm sao…
– Được rồi, tôi mua.
– Tôi đóng gói cho ông chứ?
– Không, nó hẳn phải nặng ít nhất là bảy mươi kilô, hãy cứ để nó tự mình bước đi.
Vừa ra đến đường, nó liền đánh tôi. Và lập tức tôi cảm thấy đã có một cái gì đó xảy ra trong đời mình.
___
[1]Empire – hay style Empire, tức kiểu thời Napoléon I.
[2]Từ révolutionner có hai nghĩa: cách mạng hoá, hay làm náo động.

tienve.org


BÍ ẨN "NHỮNG THẾ GIỚI BÉ NHỎ"

ký sự của Nguyễn Trọng Tín & Doãn Khởi

Ốc đảo Champa ở đầu nguồn Cửu Long
 Một “thế giới” nhỏ bé người Chăm ở An Giang đã có mấy trăm năm tồn tại. Cộng đồng cư dân này sống rải rác ở huyện Châu Phú, An Phú và thị xã Tân Châu. Họ sống hòa đồng với những dân tộc khác, nhưng vẫn giữ gìn một bản sắc rất riêng. Nhờ vào ý thức cội nguồn sâu thẳm, cùng với giáo luật làm nền tảng, những cộng đồng Chăm tại đây thực sự là một “thế giới” đầy bí ẩn.

Trên đường từ Tân Châu sang Châu Đốc, trước khúc quanh dẫn lên chiếc cầu sắt bắt ngang con kinh Vĩnh An thuộc ấp Phũm Soài, xã Châu Phong, bất ngờ chúng tôi nhìn thấy trên ban công nhà sàn một cô gái Chăm đang ngồi thêu đan. Kín đáo trong bộ trang phục màu xám, chỉ hiện ra một phần gương mặt dưới chiếc khăn trùm, nhưng đó là gương mặt đẹp đến sững sờ. Một vẻ đẹp sâu thẳm, thánh thiện, chỉ thấy trong các tác phẩm hội họa về các thánh nữ. Tích tắc dừng xe ấy trở thành ấn tượng không phai về các xóm Chăm ở đầu nguồn Cửu Long mà chúng tôi có dịp lướt qua trong chuyến đi đầu năm 2010 này, dọc các cù lao nằm giữa sông Tiền và sông Hậu thuộc tỉnh An Giang.
Bangsa – cội nguồn

Một cô gái Chăm ở xóm Lama, Vĩnh Trường trong một lễ đặt tên. Đám đặt tên, cưới hỏi, người Chăm có ăn uống, nhưng nói họ ăn nhậu như một số phương tiện truyền thông là họ tức giận, vì rượu, bia bị giáo luật cấm uống. Ảnh: Trần Việt Đức

Chúng tôi đã biết gì về những người Chăm anh em sống bên mình đã mấy trăm năm ở đầu nguồn Cửu Long này? Chỉ là con số không. Tìm hỏi vài người quan tâm đến lịch sử vùng đất An Giang, đang sống tại An Giang, hóa ra họ cũng không khác gì. Ám ảnh ấy khiến chúng tôi cố công tìm hiểu để quyết một lần sẽ trở lại với những xóm Chăm An Giang.
Trong tiếng Chăm, Bangsa có nghĩa là cội nguồn. Bangsa Chamba là cội nguồn Champa, đó cũng là tên cuốn sách của hai đồng tác giả, mà chúng tôi may mắn gặp được ngay sau chuyến về từ đất cù lao. Hai tác giả, ông Dohamide và Dorohiêm là hai anh em ruột cùng sinh ra, lớn lên ở làng Koh Taboong, ấp Khánh Mỹ, xã Khánh Hòa thuộc huyện Châu Phú, tỉnh An Giang ngày nay. Chúng tôi đã tìm về tận đây, nhưng tiếc thay tất cả những người ruột thịt của hai ông hiện không ai còn sinh sống nơi này.
Nhiều tài liệu phổ biến hiện hành vẫn viết rằng, người Chăm An Giang có nguồn gốc từ Bình Thuận, Ninh Thuận di cư vào. Sự thật họ có cùng cội nguồn, tổ tiên họ cùng một dân tộc, là con dân của vương quốc có lịch sử từ vài ngàn năm trước đến thế kỷ 17, hùng cứ dọc dải đất miền Trung của Việt Nam ngày nay. Nhưng người Chăm hiện định cư ở đầu nguồn Cửu Long lại có nguồn gốc từ Campuchia di cư sang, cách nay chỉ vài trăm năm. Vì sao họ di cư, chính xác vào thời điểm nào? Cả sách Bangsa Champa cũng chưa tìm được tài liệu để minh định. Chỉ biết, bể dâu thế cuộc trong quá khứ còn để lại một thực tế: cộng đồng người Chăm hiện sống trên 10 quốc gia thì ở Campuchia là đông nhất, hơn 317.000 người. Trong khi ở Việt Nam, con số này là 133.000.
Khi cuộc tiếp xúc đã trở nên cởi mở thân tình, ông quản tự của thánh đường ở ấp Hà Bao 2, xã Đa Phước, huyện An Phú bất ngờ cho chúng tôi một thông tin: theo lời ông bà kể lại thì tổ tiên ông đã theo nhà Nguyễn từ Phnom Penh, Campuchia di cư về đây đã 300 năm. Nếu thông tin này chứng minh được, nghĩa là họ đã di cư trước cả thời Gia Long lên ngôi lập ra triều Nguyễn (1802). Thời các chúa Nguyễn, nước ta có 2 cuộc di binh lớn sang tận Phnom Penh để giúp triều đình Chân Lạp dẹp loạn và an trị: năm 1700 của đại binh Nguyễn Hữu Cảnh và năm 1755 của Nguyễn Cư Trinh. Sử cũ đều chép, cả hai cuộc bình định này đại quân Việt đều có thu nạp vào quân ngũ người Chăm sinh sống ở Campuchia. Và cả hai cuộc can thiệp này đều rút về nước bằng đường thủy xuôi dòng Mekong, lại tiếp tục đồn trú để giữ yên biên ải trên vùng cù lao đầu nguồn Cửu Long. Nếu chứng minh được con số trên dưới 300 năm, thì có thể lắm, đó là cuộc di binh của Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh.
Một “thế giới” để ngỏ
Gặp chúng tôi trước chuyến đi, nhà thơ Lê Thanh My, người nhiều năm làm trưởng phân hội văn nghệ Châu Đốc, cho biết: mới tháng trước, có vài bạn văn từ Vĩnh Long sang muốn tiếp cận để tìm hiểu các làng Chăm. Nhưng khi cái hội lang thang này dừng lại trước một thánh đường, một bến nước, một ngôi nhà sàn cổ… để chụp hình, nhìn ngắm là liền có mấy thanh niên Chăm đến dò hỏi có vẻ không thân thiện.
Hóa ra sự e ngại của chị My và lo lắng của chúng tôi là chẳng cần thiết. Không kể người trẻ, ngay những người già là chức sắc trong giáo hội đều rất cởi mở khi chúng tôi tiếp xúc. Giáo cả xóm Chăm Koh Taboong, Vĩnh Hòa, cũng là giáo cả của toàn giáo hội Islam An Giang, dù đã ngoài 80, đã qua một lần tai biến tuần hoàn não, vẫn ân cần tiếp chuyện chúng tôi gần cả buổi chiều, tỉ mỉ diễn giải tất cả mọi điều mà chúng tôi cần biết. Ở thánh đường Rohmah, Lama, Vĩnh Trường, hơn 50 đàn ông cả già trẻ ngồi tụ tập trước giờ lễ trưa để giải thích cho chúng tôi từ lễ tục, giới răn của đạo cho đến nếp sống sinh hoạt ngoài đời. Sau khi kết thúc lễ, ông Mohamach Thost còn mời tiếp chúng tôi về nhà để trò chuyện.
Cộng đồng người Chăm An Giang quả thật bé nhỏ, chỉ trên dưới 12.000 người sống phân tán thành từng xóm trên hai huyện An Phú, Châu Phú và thị xã Tân Châu. Xóm Chăm luôn nối liền với các xóm Việt trên một trục lộ, hay một bờ kinh mà người qua đường rất khó phân định. Họ sống trên nhà sàn. Nhưng người Việt ở đây cũng sống trên nhà sàn, vì đất này hàng năm có 4 – 5 tháng ngập lũ. Thoạt trông, chẳng khác gì nhau, nhưng bên trong là hai thế giới khác biệt. Đi qua xóm Chăm không thấy phụ nữ trên đường, đàn ông cũng thảng hoặc, chỉ có trẻ con đi học. Lễ hội, tiệc cưới, tiệc vui người Chăm vẫn có mặt người Việt. Ngược lại, họ không dự tiệc tùng của người Việt, không vào quán ăn, quán giải khát của người Việt, không mua thực phẩm ở chợ Việt…
Khác biệt một phần bắt nguồn từ giáo luật, phần khác là phản ứng bảo tồn bản sắc một cách tự nguyện xuất phát từ cội nguồn thẳm sâu. Xóm Chăm Lama, Vĩnh Trường được xem là cộng đồng Chăm lớn nhất An Giang với hơn 500 nóc nhà và trên dưới 2.200 con người, nhưng cũng chỉ kéo dài theo trục lộ chưa được một cây số. Nhiều xóm Chăm khác là cụm cư dân nhỏ chỉ vài trăm con người, thế mà mấy trăm năm qua họ vẫn không hề mất đi bản sắc văn hóa.
Đó là cả một bí mật lớn lao mà loạt bài này không hề có tham vọng làm sáng tỏ, chỉ mong được kể lại đôi điều mà chúng tôi quan sát, tìm hiểu được.
sgtt.vn

LÂU ĐÀI BOURBON

H.T

Tòa nhà nguyên là dành cho con gái của Vua Louis XIV, nữ Công tước Bourbon, và bà đã đặt tên mình cho nó. Vào năm 1764, nó thuộc về quyền sở hữu của Hoàng tử Condé, ông đã cho mở rộng thành quy mô hiện nay, một tòa nhà nguy nga, đường bệ nổi bật trên Quảng trường mang cùng tên.


Delacroix.Tòa nhà Bourbon là sản phẩm của ít nhất bốn kiến trúc sư nổi tiếng: Giardini khởi công xây dựng nó vào năm 1722, Lassurance tiếp tục công trình này và Aubert cùng với Gabriel hoàn tất nó  vào năm 1728.
Tòa nhà nguyên là dành cho con gái của Vua Louis XIV, nữ Công tước Bourbon, và bà đã đặt tên mình cho nó. Vào năm 1764, nó thuộc về quyền sở hữu của Hoàng tử Condé, ông đã cho mở rộng thành quy mô hiện nay, một tòa nhà nguy nga, đường bệ nổi bật trên Quảng trường mang cùng tên.
Khoảng giữa năm 1803 và 1807 Napoléon mời Poyet xây dựng mặt tiền phía hướng về nhà thờ Madeleine, đối diện với nó một khoảng và nằm cuối đường Royale. Trên mái cổng của mặt tiền có một vách tường tranh phúng dụ do Cortot điêu khắc vào năm 1842. Ở hai bên cánh của mặt tiền cũng có những bức phù điêu theo kiểu đó, chúng là tác phẩm của Rude và Pradier. Ở bên trong, tòa nhà này  rất phong phú về các công trình nghệ thuật. Khoảng giữa năm 1838 và 1845 Delacroix đã trang trí một bức “History of Civilisation” (Lịch sử của nền văn minh) cho thư viện của tòa lâu đài này. Cũng tại căn phòng còn có nhiều bức tượng bán thân về Diderot và Voltaire do Houdon điều khắc.



khoahoc.com.vn

LẤP LÁNH LẤP LÁNH

người điểm sách : Jinny Nguyen



Có lẽ nói ra điều này rất kì quặc, nhưng phải sau khi đọc xong cuốn sách “Lấp lánh” của Ekuni Kaori, tôi mới cảm nhận được câu “Tình mềm tựa nước” một cách rõ ràng nhất.




Tình mềm tựa nước, đó là thứ tình cảm bao dung dịu dàng mà Mutsuki dành cho cả Shoko lẫn Kon. Trong cuốn sách, “Lấp lánh” nhất cũng là thứ tình cảm ấy, tựa như những buổi sáng Shoko tỉnh giấc trong căn hộ của hai người, tựa như những đêm cô cuốn chăn đứng ngoài ban công, nhìn bầu trời lấp lánh ánh sao.


Dịu dàng quá.


Thế nên Shoko biết, những ảo giác xuất hiện quanh mình mỗi lúc một dày đặc không phải là do chứng nghiện rượu gây ra. Cô đã trót yêu một người không thể yêu mình.


Một cặp vợ chồng kì lạ, lần nào cô cũng tự lặp lại câu đó với mình. Một anh chồng đồng tính, cô vợ mắc chứng bệnh thần kinh. Mỗi người đều giấu trong mình những nỗi đau thầm kín.


Điều mà Mutsuki cần là một người vợ, thực sự là một người vợ, người mà cho anh cảm giác gia đình. Đợi anh về nhà sau mỗi ca trực đêm ở bệnh viện. Đó cũng là lí do anh cưới cô. Anh thích ngắm cô từ phía sau, lúc cô hát cho “người đàn ông tím”, lúc cô ghi biểu đồ cho cá vàng bơi trong bồn tắm.


Mutsuki thích nhất Shoko ở chỗ, cô luôn là chính mình, dù điều đó kì quặc đến thế nào. Cô không sợ bị ghét bỏ, luôn nhõng nhẽo và hờn dỗi.
nhanam.vn
Chân thành như trẻ nhỏ.


Cô cho cây ngọc giá uống nước trà, lại còn khẳng định nó rất thích, thích nhất là hồng trà. Cô giận dỗi anh, lần nào cũng khóc ầm ĩ. Và Shoko cần anh, cần anh ở trong ngôi nhà của hai người. Điều đó giúp thần kinh yếu ớt lúc nào cũng phải căng ra của cô dịu lại.


Và Mutsuki biết điều đó. Nên nhiều lúc anh không biết phải làm thế nào để đối xử với cô. Thứ Shoko cần không phải là lòng thương hại của anh, mà đó là tình cảm.
Anh không thể trao được.


Người Mutsuki yêu là Kon, cậu sinh viên có làn da rám nắng và mùi Cola. Câu thoại tôi nhớ nhất trong cuốn tiểu thuyết ngắn này là khi Kon nói với Shoko
“Em không thích đàn ông, em chỉ thích mỗi Mutsuki thôi”.


Ba người bọn họ, Kon, Shoko và Mutsuki, là những cá thể đơn độc nhất của xã hội này. Giống như câu chuyện hoang đường của Shoko, bọn họ là những con sư tử màu bạc bị đuổi ra khỏi bầy đàn. Ăn cỏ và dễ dàng bị chết.


Cứ như thể cả thế giới đã chừa ra những người như họ vậy. Họ vẫn sống, hoặc cố gắng sống cuộc sống bình thường, hoặc chối bỏ một cách thẳng thừng như Shoko.


Người yêu cũ của Shoko đã bỏ cô chỉ vì anh ta không thể chấp nhận được những nhận thức “méo mó” của Shoko về thế giới. Hay nói một các đơn giản, anh ta không thể chấp nhận được sự bất thường của Shoko.


Không biết vì sao, tôi hiểu cảm giác của Shoko lúc đó rõ ràng như vậy. Cô không thể sống như những người bình thường khác, và người cô yêu nhất thì không thể hiểu được cô.


Chỉ có Mutsuki vẫn bao bọc dịu dàng với cô, bất chấp sự bất bình thường của Shoko vượt ra ngoài mọi giới hạn. Có lẽ anh hoàn toàn không có chút kì vọng nào với cô, và đặc biệt hơn, anh không cần cô đáp trả lại tình cảm của mình.


Nhưng tình cảm ấy của Mutsuki đối với Shoko chẳng khác nào cái gông bằng nước. Mềm mại như thế, dịu dàng như thế, nhưng lại khiến Shoko tổn thương rất nhiều. Mutsuki cho Shoko mọi thứ, trừ thứ cô cần nhất, đó là tình yêu của anh.
Yêu thì là yêu vậy thôi.


Và không yêu thì là không yêu vậy thôi.


Trên thế gian này, rất nhiều thứ luôn tồn tại không có lí do như vậy. Mutsuki tìm mua bằng được donuts vị Nho khô cho Shoko, dặn dò cô đổi xe bus để về nhà.
Chỉ là không thể yêu cô.


Thế nên sống với anh mà Shoko có cảm giác như mình đang ôm nước. Dịu dàng vậy đó, mà có thể trôi tuột đi bất cứ lúc nào. Shoko không thể sống trong ngôi nhà thiếu Mutsuki.


Cũng như Mutsuki không thể ngừng yêu Kon được.


“Lấp lánh” là một chuyện tình buồn bã như vậy đấy. Cuốn sách mỏng, và lời lẽ dịu dàng. Văn chương của Ekuni cũng gần giống với Yoshimoto Banana, với lời văn nữ tính và đầy bao dung của nhân vật nữ chính. Những câu chữ cứ len lỏi vào tâm trí người đọc, bao bọc lấy trái tim.


Nhân hậu đến vậy, thấm đẫm tình người như thế. Giữa đêm tối vẫn không ngừng ánh lên những ánh sáng dịu dàng, như bầu trời đêm mùa đông đầy sao.


Lấp lánh, lấp lánh.


Lấp lánh nhất là tình cảm của con người.


NHÀ THƠ BẮC ĐẢO : ‘THƠ TRUNG QUỐC BÂY GIỜ KHÔNG HAY’

Thanh Huyền

Nhà thơ Bắc Đảo.

Ngoài việc đề cập đến tình hình thơ ca Trung Quốc hiện nay, nhà thơ Bắc Đảo còn đưa ra kiến giải riêng của mình về sự thất thế của văn chương trong thế giới tiêu dùng hiện đại.

Nhà thơ 62 tuổi làm ngạc nhiên tất thảy mọi người khi ông xuất hiện tại Liên hoan Thơ Thanh Hải khai mạc hôm 9/8. Bởi ông đã không sống ở Trung Quốc đại lục suốt hơn 20 năm qua, trừ lần về chịu tang cha ở Bắc Kinh năm 2001.
Bắc Đảo, tên thật là Triệu Chấn Khai, khoác lên cơ thể gầy gò chiếc áo màu đỏ gạch và chiếc quần xám khi ông có bài phát biểu ngắn tại lễ khai mạc. Sau đó, nhà thơ bị đám đông người hâm mộ vây quanh, xin chữ ký và chụp ảnh.
Cây bút tiên phong của thơ ca Trung Quốc những năm 1980 đã quen với việc bị bạn đọc bao vây. Nếu có khó chịu, ông cũng sẽ không bao giờ thể hiện ra ngoài. Bắc Đảo nổi tiếng là người lịch sự và không bao giờ từ chối đề nghị xin chữ ký hoặc chụp ảnh cùng.
Lúc không có người hâm mộ vây quanh, ông có vẻ hướng nội, trầm tĩnh. Ông thích chụp ảnh, thích đi bộ một mình hoặc ngồi lặng thinh nhìn xa xăm. “Tôi muốn suy nghĩ về thế giới sau nhiều năm trời lang thang trong thơ ca”, nhà thơ nói.
“Cuộc sống xê dịch 20 năm qua rất quý giá đối với tôi. Cuộc đời và thơ tôi song hành với nhau và có những lúc gặp gỡ”, ông chia sẻ bên lề Liên hoan Thơ.
Khi được hỏi về bài thơ của mình mà ông thích nhất, Bắc Đảo chia sẻ: “Với một nhà thơ, thật khó để họ chọn ra bài thơ họ yêu mến nhất trong số các sáng tác của mình. Tôi luôn tin rằng, bài thơ hay nhất của tôi là bài thơ sắp viết. Nhà thơ luôn phải thách thức mình như vậy”.
Nhà thơ Bắc Đảo.
Nhà thơ Bắc Đảo.
Bắc Đảo cho rằng, so với thời kỳ hưng thịnh của hai thập kỷ 1970 và 1980, văn học Trung Quốc ngay nay không có gì đặc sắc. “Điều này đúng không chỉ với Trung Quốc mà còn với cả thế giới. Có rất nhiều nguyên nhân tác động, như chủ nghĩa vật chất ngày càng trỗi dậy trong các xã hội tiêu dùng; Người dân có xu hướng tìm đến các giá trị giải trí từ công nghệ hơn là giá trị nghệ thuật từ văn chương…”.
Ông chỉ ra rằng, trước đây, người ta phân biệt rất rõ sự khác nhau về đẳng cấp giữa “văn hóa nghệ thuật” và “văn hóa đại chúng”, còn ngày nay, văn hóa đại chúng như một cái hố đen đang “nuốt chửng” văn hóa nghệ thuật. Và thật không may, nhiều nhà văn, nhà thơ buộc phải hạ thấp gu thẩm mỹ của mình để chiều theo thị hiếu số đông.
Ngoài ra, theo nhà thơ, còn có nguyên nhân khác làm ảnh hưởng đến chất lượng thơ ca Trung Quốc, đó là sự yếu kém của hệ thống quan điểm định hướng.
“Thơ ca cần sự chỉ dẫn đúng cách. Và một nhà phê bình giỏi có thể làm người dẫn đường để hình thành nên một đội ngũ độc giả tinh tường, có khả năng thẩm định đúng đắn các giá trị thơ ca”.
Ông nói, ngày xưa, giảng viên và sinh viên các trường đại học từng rất say sưa đọc thơ, giảng thơ. Nhưng bây giờ, họ đã đánh mất đam mê đó. Các buổi đọc thơ giờ trở thành một ký ức đẹp với họ.
Đồng thời, ông cho rằng, cũng không thể trách lớp trẻ. Bởi những người lớn lên trong một xã hội thương mại hóa như họ không thể thoát khỏi ràng buộc và những ảnh hưởng của chính thời đại mà họ sống.
Trong tình hình không mấy lạc quan đó của thơ ca, Bắc Đảo khẳng định, ông vẫn tiếp tục viết những bài thơ dài và coi “thơ ca là điều quan trọng nhất và là thách thức lớn nhất trong sự nghiệp sáng tác của ông”.
“Nghịch lý của người sáng tác thơ là bạn phải diễn đạt cho được những điều không thể nói nên lời. Làm được như thế, thơ mới có thể đi từ trái tim đến với trái tim”, Bắc Đảo chia sẻ.
Ngoài thơ ca, với cây bút 62 tuổi này, thì gia đình và cậu con trai 6 tuổi cũng mang đến cho ông “những niềm vui không gì thay thế nổi”.
“Thằng bé ham mê nhiều thứ. Nó rất thích hội họa và biết thưởng thức văn chương”, nhà thơ chia sẻ về cậu con trai của mình.
Bắc Đảo, sinh năm 1949 tại Bắc Kinh, là nhà thơ đương đại nổi tiếng của Trung Quốc. Ông là một trong những cây bút tiên phong của trào lưu Thơ Mông lung, ra đời từ khoảng thập niên 1970, với tiếng nói và cách diễn đạt khác hẳn với thi ca truyền thống. Tác phẩm của ông đã được dịch ra 25 thứ tiếng trên thế giới.

  vnexpress.vn


LƯỢM LẶT TRONG CAHIER DES CHARGES DE LA VIE MODE D’EMPLOI

thơ của Georges Perec
chuyển ngữ : Hoàng Ngọc Biên

GEORGES PEREC
(1936-1982)
 
 
1. Bartlebooth, I*
 
 
 
2.
 
 
 
 
Hình trên được sử dụng làm bìa cuốn La vie mode d’emploi của Georges Perec
[ấn bản bỏ túi]. Tranh do Charles-Albert Bertall [1820-1881] sáng tác và sau đó
được Lavielle thực hiện litho, từng xuất hiện trong cuốn Le Diable à Paris [Hetzel,
1846] và mang tên Paris, le 1er Janvier 1845. Cinq étages du monde parisien.
 
_______________
* Percival Bartlebooth là tên một nhân vật trong La vie mode d’emploi, một câu chuyện Georges Perec tưởng tượng trong đó có trò chơi ghép hình [puzzle]: Giữa Thế chiến I và II, một ông đại gia giàu có người Anh tên là Bartlebooth [tên ghép hai nhân vật trong văn học, Bartleby của Herman Melville và Barnabooth của Valéry Larbaud], ngụ tại chung cư “tưởng tượng” số 11 đường Simon-Crubellier, thuộc quận 17, Paris, nghĩ ra một kế họach về sau sẽ chiếm hết thời gian còn lại của đời ông, đồng thời tiêu hết trọn gia sản của ông. Trước tiên ông bỏ ra mười năm học vẽ tranh màu nước dưới sự giám hộ của Serge Valène, là người sau đó cũng dọn đến ngụ tại chung cư số 11 đường Simon-Crubellier; tiếp theo ông bỏ hai mươi năm xuống tàu đi du lịch vòng quanh thế giới với người tớ trung thành của mình là Smautf, ngụ cùng số 11 đường Simon-Crubellier, cứ khoảng “mỗi hai tuần” ông vẽ một hải cảng khác, tổng cộng có 500 bức màu nước. Sau đó ông lần lượt gửi hết về Pháp, và tranh vẽ trên giấy sẽ được dán hồ lên một tấm cac-tông, và một nghệ nhân được tuyển chọn cẩn thận tên là Gaspard Winkler, ngụ cùng số 11 đường Simon-Crubellier, cắt mỗi tranh ra 750 miếng nhỏ để làm thành một trò chơi ghép hình. Khi trở về Pháp, Bartlebooth đem những hình rời ra ghép, để tái tạo cảnh tượng đã được ông vẽ trước đó. Mỗi hình ghép làm xong người ta sẽ đem dán dính liền nhau bằng một dung dịch đặc biệt, phát minh của Georges Morellet, cũng ngụ cùng số 11 đường Simon-Crubellier. Sau khi dung dịch bôi lên giấy, người ta tháo miếng gỗ làm mặt nền, và tranh vẽ được gửi về hải cảng ngày xưa Bartlebooth từng đến vẽ. Đúng 20 năm sau ngày tranh được vẽ, người ta đem nó để trong nước biển cho đến khi các màu biến mất, và bản vẽ giấy trắng [ngoài những vết cắt ráp không rõ ràng] được gửi trả về cho Bartlebooth. Như thế, rốt cuộc 50 năm làm việc của ông người ta chẳng được nhìn thấy gì: kế hoạch của ông tuyệt đối không để lại một dấu vết nào trên đời. Những hình cắt ghép của Winkler ngày càng khó hơn, và kết quả là Bartlebooth bị mù. Bấy giờ có một kẻ say mê nghệ thuật còn tìm cách ngăn cản Bartlebooth tiêu hủy những tranh vẽ của ông, nhưng đến năm 1975 thì ông đã trễ đến 16 tháng so với dự kiến, và ông qua đời khi đang làm đến được hình ghép thứ 439.
 
** PB: Percival Bartlebooth – GW: Gaspard Winckler
 
*** kh = khi , trg = trong , chg = chung
 
 
——————–
Dịch từ nguyên tác trong Georges Perec, Cahier des charges de LA VIE MODE D’EMPLOI, CNRS Editions và Zulma xuất bản, Tủ sách “Bản thảo”, 1993 – do Hans Hartje, Bernard Magné và Jacques Neefs giới thiệu và chú thích.
 
 tienve.org

NĂM CÂU CHUYỆN BỎ LỬNG

truyện ngắn của Daniil Kharms
chuyển ngữ : Hoàng Ngọc Tuấn

Yakov Semyonovich[*] thân mến,
1. Một người đàn ông nào đó, đang chạy ngon trớn, bỗng tông đầu vào một nhà lò rèn mạnh đến nỗi bác thợ rèn đang làm việc phải dừng lại, đặt cái búa tạ qua một bên, cởi tấm tạp-dề bằng da và, sau khi dùng bàn tay vuốt tóc cho tươm tất, bước ra đường để xem cái gì vừa xảy ra.

2. Thế rồi bác thợ rèn thấy người đàn ông ngồi trên mặt đất. Người đàn ông ngồi trên mặt đất, hai tay ôm đầu.
3. “Chuyện gì đã xảy ra?” bác thợ rèn hỏi. “Ôi!” người đàn ông nói.
4. Bác thợ rèn bước đến gần người đàn ông thêm một chút.
5. Chúng ta ngưng câu chuyện về bác thợ rèn và người đàn ông vô danh ấy và bắt đầu một câu chuyện khác về bốn người bạn và một cái harem.
6. Một lần nọ, có bốn kẻ bị ám bởi cái harem. Họ nghĩ nếu mỗi người có tám nàng hầu cùng một lúc thì khá thú vị. Thế rồi họ gặp nhau trong một buổi tối để bàn cãi về đời sống trong cái harem. Họ uống rượu, họ uống say mù mịt, họ ngã lăn dưới gầm bàn, họ mửa thốc ra. Trông họ thật là tởm. Họ cắn chân nhau. Họ chửi những lời tục tĩu vào mặt nhau. Họ bò lê trên sàn nhà.
7. Chúng ta ngưng câu chuyện về họ và bắt đầu một câu chuyện mới về bia.
8. Có một thùng đựng bia và kề bên đó có một triết gia ngồi càu nhàu: “Cái thùng này đựng đầy bia. Bia đang lên men và tăng nồng độ. Và trí tuệ tôi đang lên men cùng với những đỉnh núi đầy ánh sao và tâm hồn tôi tăng nồng độ. Bia là một thức uống tuôn chảy trong không gian. Tôi cũng là một thức uống tuôn chảy trong thời gian.”
9. “Khi bia bị giữ trong thùng, nó không có chỗ nào để tuôn chảy. Thời gian sẽ dừng lại và tôi sẽ đứng dậy.”
10. “Nhưng nếu thời gian không dừng lại, thì tôi vẫn tuôn chảy không ngừng.”
11. “Không, tốt hơn nên để cho bia tuôn chảy tự do, vì nó đứng yên thì phản lại quy luật của tự nhiên.” Nói xong những lời ấy, triết gia mở vòi thùng bia, và bia chảy tràn cả sàn nhà.
12. Chúng ta đã kể về bia như thế là đủ, bây giờ chúng ta sẽ kể về một cái trống.
13. Một triết gia vỗ một cái trống và gào lên: “Tôi đang tạo ra một tiếng ồn triết lý! Tiếng ồn này thì vô ích cho bất kỳ ai, thậm chí nó quấy nhiễu mọi người. Nhưng nếu nó quấy nhiễu mọi người, thì có nghĩa là nó không thuộc về thế giới này. Và nếu nó không thuộc về thế giới này, thì nó đến từ một thế giới khác. Và nếu nó đến từ một thế giới khác, thì tôi sẽ tiếp tục tạo ra nó.”
14. Triết gia tiếp tục tạo ra tiếng ồn suốt một thời gian dài. Nhưng chúng ta sẽ ngưng câu chuyện ồn ào này và xoay sang câu chuyện yên ả kế tiếp về những cái cây.
15. Một triết gia tản bộ dưới những tàn cây và không nói một lời, bởi vì ông không còn cảm hứng nữa.
(1931)
_________________________
[*]Yakov Semyonovich ở đây chính là triết gia Yakov Semyonovich Druskin (1902-1980), bạn thân của Daniil Kharms, người đã cất giữ được hầu hết bản thảo tác phẩm của Daniil Kharms sau khi nhà văn bị bắt giam lần cuối tại trại tù Leningrad và chết vì bị bỏ đói trong khu tâm thần của trại tù vào năm 1924. [Chú thích của người dịch]
———
Dịch từ bản Anh ngữ: “Five Unfinished Narratives”, trong Daniil Kharms, Incidences, trans. Neil Cornwell (London: Serpent’s Tail / five-star edition, 2006), 89-90.
tienve.org

NHỮNG CÁCH THẤY (6)

John Berger 
chuyển ngữ : Như Huy

Bài tiểu luận không có ngôn từ

(Như Huy dịch từ: Ways of Seeing, John Berger, Peinguin Books published 2008)

huybeo.blogspot.com